Hội thảo chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa sẽ diễn ra tại Bắc Ninh vào ngày 17/12, tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Trưởng ban tổ chức Hội thảo - cho biết sự kiện là dịp các chuyên gia bàn đến mục tiêu thống nhất khung chính sách để làm cơ sở ban hành, sửa đổi luật, tìm cách khơi thông nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa.
- Theo ông, đâu là điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong lĩnh vực văn hóa hiện nay?
- Một trong những vấn đề lớn đặt ra là làm sao để huy động được nhiều nhất nguồn lực cho văn hóa và sử dụng hiệu quả. Hội thảo sẽ nói tới nguồn lực về con người và tài chính. Có bốn nguồn tài chính: Ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội và các loại nguồn lực từ chương trình hợp tác quốc tế.
Muốn có nguồn lực Nhà nước, trước tiên cần có khung chính sách - dựa trên cơ sở chính trị, thực tiễn, lý luận khoa học. Chính sách đầy đủ, đồng bộ, toàn diện, tiếp đó doanh nghiệp xác định nhu cầu và Nhà nước cân đối nguồn lực để quyết định đầu tư. Việc này làm cẩn thận sẽ giúp đầu tư có hiệu quả. Vướng mắc lâu nay là việc hoạch định, chuẩn bị chưa tốt thì giải ngân chậm, đôi khi làm manh mún.
Về nguồn lực xã hội, chính sách tốt sẽ thu hút nhiều dòng đầu tư cho văn hóa. Hiện nay, các khoản chi tài trợ cho giáo dục, y tế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng lĩnh vực văn hóa chưa có quy định, như vậy sức hấp dẫn đầu tư sẽ kém hơn. Nếu thấy văn hóa quan trọng, cần tạo điều kiện để huy động nhiều hơn, các quy định có thể xem xét để sửa đổi.
Nhiều quy định pháp luật cho hợp tác công tư chưa được hoàn thiện. Ví dụ, việc cho tư nhân vào khai thác di tích văn hóa, cho phép can thiệp đến mức nào để vừa gìn giữ, bảo tồn vừa phát huy giá trị di sản thì phải có quy định rõ ràng, nếu không sẽ có tâm lý e ngại, không ai muốn làm. Nếu chính sách pháp luật bao phủ được, người dân cũng có thể cùng tham gia, đỡ gánh nặng ngân sách để đạt được mục đích chung là bảo tồn và khai thác di tích. Giải quyết được những điểm nghẽn sẽ tạo đột phá cho văn hóa phát triển.
- Ông đánh giá việc đầu tư của Nhà nước cho ngành văn hóa hiện thế nào?
- Trước đây tỷ lệ đưa ra để phấn đấu là 1,8% ngân sách quốc gia, hiện chỉ đạt hơn 1,7%, nhìn chung là chưa đạt. Nhiều ý kiến kiến nghị đầu tư 2% tổng chi ngân sách cho ngành văn hóa. Nhưng nếu chỉ dựa vào tiền Nhà nước cho văn hóa thì rất khó đủ. Tại sao Hàn Quốc tỷ lệ chỉ hơn 1,5% nhưng họ phát triển như vậy. Bởi vì họ khai thác được giá trị văn hóa và từ đó thu hút nhiều nguồn lực để đầu tư ngược trở lại.
Một trong những vấn đề kiến nghị ở hội thảo là không chỉ là tăng đầu tư Nhà nước mà phải giải quyết thể chế, chính sách để phát huy được giá trị của văn hóa, từ đó có thêm những nguồn lực đầu tư trở lại, mới mang đến sự đa dạng. Hiện chúng ta làm chưa tốt, chưa hút được những nguồn lực đó.
- Còn việc đầu tư cho nhân lực sáng tạo văn hóa?
- Để có được con người cho ngành văn hóa không phải dễ. Muốn đạt được trình độ cao, họ phải học tập, trau dồi nghề nghiệp. Hiện nay, việc đầu tư ở Việt Nam chưa xứng tầm. Hệ thống các trường trong lĩnh vực văn hóa chưa được nhiều so với thế giới. Lĩnh vực văn hóa phải chọn ra ngành nghề tập trung và đầu tư cho nó mới chuyển biến chất lượng được. Ví dụ, lĩnh vực điện ảnh, nếu không có lực lượng đào tạo ở trình độ cao rất khó tạo ra nền điện ảnh mạnh.
Về thu nhập, khối Nhà nước cần chú ý đến lương nhưng với khối ngoài Nhà nước, tôi nghĩ quan trọng hơn hết là tạo điều kiện để có thể làm tốt, kinh doanh tốt hơn, tức khắc mặt bằng thu nhập của giới trong lĩnh vực đó nâng lên. Gần đây phim Bố già của Trấn Thành tạo ra nguồn thu lớn. Nếu được tạo điều kiện đào tạo tốt, dần dần mọi người làm ra sản phẩm tốt và có hiệu quả, đương nhiên các tổ chức sẽ lớn mạnh, những người trong đó sẽ hưởng chế độ tốt. Như vậy, cần có cơ chế thu hút người tài, tạo điều kiện cho người tài phát huy.
- Từ thập niên 1990 Hàn Quốc đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, ban hành hơn 10 luật tạo hành lang pháp lý và nhiều đạo luật khuyến khích hoạt động sản xuất, đầu tư nội dung văn hóa. Tình hình luật liên quan hoạt động văn hóa ở Việt Nam hiện thế nào?
- Việt Nam hiện có một số Luật trực tiếp về văn hóa như Di sản văn hóa, Điện ảnh, Báo chí, Xuất bản, Thư viện, Quảng cáo, Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra còn một số luật và nghị định liên quan.
Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được quy định bởi nghị định và đang được nghiên cứu đề nghị nâng từ nghị định lên thành luật. Hiện chưa có luật hay nghị định điều chỉnh về hoạt động văn học, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đang muốn tham mưu Chính phủ xây dựng, trước tiên là nghị định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và nếu thấy đủ điều kiện thì đưa lên thành luật. Có luật pháp quy định thì lĩnh vực này thì sẽ phát triển lên rất nhiều.
Chẳng hạn, Hàn Quốc có nhiều luật nhưng họ tổng kết hai điều quan trọng nhất là Luật bảo vệ bản quyền tác giả và Chính sách khuyến khích sáng tạo nghệ thuật. Văn hóa sống còn nằm ở nội dung mà nếu không bảo vệ được bản quyền nội dung đó thì rất khó khuyến khích sáng tạo. Đôi khi với lĩnh vực này, chỉ cần một người tạo sản phẩm tốt có giá trị gấp trăm, nghìn lần sản phẩm thông thường.
Về Chính sách khuyến khích sáng tạo nghệ thuật, cần quy định hành lang pháp lý rõ ràng để hiểu không gian sáng tạo của người ta tới đâu, tự do trong khuôn khổ pháp luật nào, từ đó giúp giải phóng trí tuệ, yên tâm sáng tạo. Quy định cho chặt, tổ chức thực hiện cho nghiêm, nếu không làm được thì công nghiệp văn hóa khó phát triển.
Anh Thư