Ngày 8/5, họp trực tuyến với Thủ tướng và các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn, giúp TP HCM phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, ông Nguyễn Thiện Nhân nói thành phố đang nỗ lực phục hồi các hoạt động phục vụ nhu cầu người dân.
Ngành dịch vụ, du lịch TP HCM sẽ "mở cửa có chọn lọc" dựa trên cơ sở phân tích tình hình phục hồi, kiểm soát nguồn dịch bệnh từ các nước khác. Trong quý 2, thành phố có thể phục hồi hoạt động của các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng. Riêng ngành hàng xuất khẩu cần làm việc với từng nước để có bàn bạc về lộ trình mở cửa.
Theo ông Nhân, kinh tế có giảm sút 3 tháng qua, chủ yếu do nhu cầu (cả nội địa và nước ngoài) giảm nhưng nguồn cung vẫn đảm bảo. Hiện, thành phố có 7.730 doanh nghiệp phá sản, đóng cửa - chiếm 3% trong tổng số hơn 250.000 doanh nghiệp. "Nếu có biện pháp giúp họ giữ người lao động, giảm áp lực chi trả khoản vay, từ tháng 5 trở đi các doanh nghiệp sẽ hoạt động trở lại được", ông Nhân nói.
![Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ hôm nay. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/05/08/bithunguyenthiennhan-4240-1588913448.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=M1DsL4JXyHZ2gzI4vMQUKw)
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ hôm nay. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong bày tỏ vui mừng khi TP HCM nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Ông cho biết, dịch bệnh 4 tháng qua tác động toàn diện mọi mặt của thành phố: tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách đều giảm; hơn 7.700 doanh nghiệp ngưng hoạt động... Nhưng kinh tế thành phố vẫn còn điểm sáng khi GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn, dành cho cấp tỉnh) và ngân sách chiếm 25% cả nước; giải ngân tăng hơn hai lần so cùng kỳ.
TP HCM đang bước vào giai đoạn thực hiện tiêu chuẩn kép - vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần "có thể phát sinh người bệnh mới nhưng không có nguy cơ hình thành ổ dịch trong cộng đồng".
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, GRDP của TP HCM năm 2020 sẽ tăng 6,7%. Tuy nhiên theo tính toán của Viện nghiên cứu phát triển TP HCM, chỉ số này chỉ đạt khoảng 5% nếu kinh tế thế giới không rơi vào suy thoái và lãnh đạo thành phố chỉ đạo sát sao quá trình khôi phục kinh tế.
Từ đó, ông Phong kiến nghị các bộ ngành hỗ trợ thành phố vực dậy nền kinh tế sau Covid-19, đề xuất giảm giá điện, giãn tiến độ nộp thuế sử dụng đất... cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền TP HCM đề xuất Thủ tướng cho lập đề án Thí điểm không lập HĐND cấp quận huyện, phường xã đáp ứng nhu cầu tinh gọn bộ máy, phù hợp tình hình thực tiễn; đề án xây dựng thành phố phía Đông trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức.
![Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: TTBC](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/05/08/ct-tphcm-8316-1588906824.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=r0wills9GXypVS-rQ5RE8w)
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM.
Trước đó, mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành nhiều khen ngợi về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP HCM với nhiều cách làm hay, hiệu quả, không để lây lan ra cộng đồng".
Thành phố cũng được đánh giá cao khi sáng tạo nhiều mô hình kinh doanh tốt giúp kinh tế thành phố không bị "đổ gãy" trong bối cảnh cả nước và thế giới bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Người dân TP HCM cũng được nhận gói hỗ trợ an sinh xã hội sớm nhất cả nước, hoặc được chia sẻ khó khăn bởi các ATM gạo...
Thủ tướng nói, TP HCM là đô thị đặc biệt, có vị trí rất quan trọng đối với cả nước về kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ; chiếm hơn 23% tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP), 25% ngân sách cả nước. Vì vậy, nếu kinh tế thành phố giảm sâu sẽ ảnh hưởng kinh tế và thu ngân sách cả nước.
"Thành phố sắp tới sẽ làm gì, cần chủ động ra sao, việc này Trung ương cần phải chỉ đạo. Thủ tướng sẽ lắng nghe để tháo gỡ", ông Phúc nói và đề nghị tất cả lãnh đạo các bộ, ngành tham gia đóng góp, giúp kinh tế thành phố phát triển, đóng góp cho kinh tế cả nước.
Hữu Công