Do công việc bận rộn nên hai vợ chồng phải đi sớm về muộn, ít có thời gian chăm con. Gia đình tôi sống cùng bà nội của hai cháu. Trước đây mẹ tôi còn khỏe thì cháu đầu do bà chăm. Sau đó mẹ mắc bệnh ung thư, đã chữa trị ổn nhưng sức khỏe kém hơn trước nhiều. Vợ chồng tôi phải nhờ ông bà ngoại chăm hộ cháu thứ hai (nhà ở gần). Sáng tôi đưa cháu lên, tối đón về.
Tuy không có nhiều thời gian chăm sóc nhưng tôi rất quan tâm tới tâm sinh lý của các con. Cháu đầu phát triển bình thường nhưng cháu thứ hai thì có tật hay sờ vào bộ phận sinh dục, nhất là ban đêm khi ngủ. Có lần tôi lên đón bé, thấy ông ngoại ôm cháu vào lòng và sờ vùng kín của cháu. Tôi biết người lớn ở Việt Nam hay có thói quen đó và coi đây là chuyện rất bình thường. Vẫn biết ông rất quý cháu, nhưng việc đó làm cháu có tật rất xấu là hay sờ vùng kín, đặc biệt vào lúc ngủ. Như vậy cũng là một dạng thủ dâm. Điều này cực kỳ có hại cho tâm sinh lý của cháu.
Tôi bảo vợ ngỏ lời với ông bà nhưng ông bà không nghe, cho rằng đó là chuyện bình thường. Đây mới chính là vấn đề. Ông bà rất quý cháu, công ông bà chăm bẵm cháu từ nhỏ tới giờ. Xin chuyên gia và mọi người cho tôi ý kiến để xử lý vấn đề này. Chân thành cảm ơn.
Minh
Chuyên gia tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Minh thân mến,
Là một người bố, bạn có những nhạy cảm riêng đối với các con của mình. Chính vì vậy, khi chứng kiến hành động của ông ngoại, bạn lo lắng đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển. Ông và bố, mỗi người đều có một phương pháp, quan điểm nuôi dạy trẻ khác nhau. Nhưng tôi tin rằng đằng sau sự khác biệt đó, đều là mong muốn xây dựng cho trẻ môi trường tốt nhất để phát triển toàn diện sau này. Vì vậy, điều cần nhất ở thời điểm hiện tại chính là cả nhà cùng nhau tìm ra đâu là cách hiểu đúng nhất về trẻ, và làm thế nào để trẻ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự giáo dục của gia đình.
Theo nghiên cứu của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, hầu hết trẻ trước khi bước vào giai đoạn dậy thì sẽ có những hành vi tự chạm/nghịch vùng kín của mình. Nghiên cứu của viện cũng đã chỉ ra rằng có đến 90-94% trẻ nam có hành vi này khi còn bé. Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ không xem xét đây là biểu hiện không lành mạnh hay là một dạng rối loạn tâm thần.
Việc sờ hay tác động vào bộ phận sinh dục là một trong những biểu hiện của việc trẻ bắt đầu khám phá cơ thể mình và là điều bình thường đối với sự phát triển của trẻ. Hành động này khác với hành động thủ dâm do sự phát triển của các hormone sinh dục ở độ tuổi dậy thì.
Trước giai đoạn dậy thì, trẻ chỉ đơn thuần tò mò và nghịch với "vòi voi" của mình để tìm hiểu bản thân theo cách rất trong sáng. Sự tò mò của trẻ là điều tự nhiên và không có gì đáng lo ngại. Những hành động như vậy chỉ nên nhìn nhận là bất thường nếu trẻ tự làm mình đau hay phô bày thái quá như: nghịch vùng kín bằng đồ vật, miệng; có hành động bắt chước quan hệ tình dục; yêu cầu xem chương trình truyền hình hoặc internet có yếu tố tình dục. Nếu trẻ có các hành vi này, gia đình nên sớm đưa trẻ tới bác sĩ nhi để được tư vấn.
Về cơ bản, những hành vi sờ, nghịch thông thường đến 5 tuổi sẽ giảm dần cho đến giai đoạn dậy thì, khi trẻ đã hiểu rõ hơn về các chuẩn mực văn hóa - xã hội để tự kiểm soát hành vi của mình. Vì vậy, sự giáo dục của gia đình ở giai đoạn này là rất quan trọng. Trẻ rất gần gũi với ông bà, bởi vậy kế hoạch giáo dục này cũng nên đề cập với ông bà và cùng ông bà thống nhất một phương pháp chung giúp trẻ xây dựng khả năng tự ý thức và bảo vệ bản thân.
Bố mẹ tin tưởng rằng sự đụng chạm hiện tại của ông bà chỉ đơn giản là thói quen âu yếm, thể hiện sự yêu thương cháu. Tuy nhiên điều này sẽ dễ gây ra cho con sự nhầm lẫn và con không biết nên phản ứng thế nào là phù hợp nếu sau này gặp phải tình huống tương tự nhưng từ một người lạ chứ không phải là ông bà, bố mẹ. Bố mẹ có thể là người chủ động giảng giải cho trẻ về những điều nên và không nên làm, nhưng rất cần sự hỗ trợ của cả ông bà trong thực tế để tạo ra môi trường giáo dục thống nhất, rõ ràng, tránh gây hoang mang cho trẻ.
Trước khi dạy cho con những kiến thức giáo dục giới tính, các bạn nên diễn giải trực tiếp với ông bà, để người lớn trong nhà cùng thống nhất một phương pháp duy nhất. Khi đề cập đến chuyện này với ông bà, vấn đề an toàn của trẻ nên được đề cao. Hai vợ chồng có thể nói đến một số tình huống có thể gây hại cho trẻ khi con không có kỹ năng tự bảo vệ mình mà làm theo lời của kẻ xấu. Điều này sẽ khiến ông bà nhận ra được sự cấp thiết của việc cùng bố mẹ giáo dục cháu mình đúng cách.
Người lớn trong nhà, nhất là ông bà có thể sẽ cảm thấy có chút ngại ngần, không thoải mái khi đề cập đến những kiến thức này với con vì nghĩ rằng đó là vấn đề nhạy cảm và con chưa đủ lớn để hiểu. Nhưng với trẻ, chúng sẽ tiếp nhận những thông tin mới này rất tự nhiên dựa theo cách người lớn truyền tải. Con cần được học về cơ thể mình và biết rằng có một số bộ phận trên cơ thể thuộc về vùng "riêng tư" và cần được bảo vệ, tôn trọng. Trẻ có thể tò mò, khám phá về cơ thể mình nhưng không được làm điều đó ở nơi công cộng. Đó cũng là lý do khi đi ra ngoài con sẽ mặc quần áo, hoặc sẽ đóng cửa khi đi vệ sinh hay thay quần áo.
Bố mẹ có thể thống nhất một số tín hiệu để nhắc nhở con khi ở ngoài phạm vi gia đình để trẻ không cảm thấy xấu hổ. Ở độ tuổi hiện tại, chỉ có người thân trong gia đình với mục đích hỗ trợ con vệ sinh thân thể mới được quyền làm điều đó với sự chấp thuận của con. Quy tắc này sẽ giúp trẻ dễ dàng hiểu và nhận ra đâu là hành vi thân thiện của người lớn để thể hiện sự quan tâm, yêu thương (chẳng hạn như ôm, nắm tay, xoa đầu,...); đâu là hành vi cần tránh hoặc yêu cầu dừng lại ngay lập tức (như đánh, chạm vào vùng kín,...). Trẻ sẽ bước đầu tự chủ với chính cơ thể mình, nhất là khi không ở cùng bố mẹ. Hơn nữa, điều này còn để bảo vệ sự an toàn của con trước những kẻ xấu khi đi ra ngoài và cũng để tăng sự tự ý thức về cơ thể và việc tự bảo vệ chính mình.
Phong cách giáo dục, yêu thương trẻ của mỗi người có thể khác nhau. Nhưng với trẻ nhỏ, các con sẽ cần đến một lối giáo dục rõ ràng nhất có thể để hiểu được mình cần làm gì, phản ứng thế nào trong các tình huống cụ thể. Những kỹ năng này không thể có được chỉ qua lời dạy của bố mẹ, mà chủ yếu qua quá trình xây dựng thói quen sống hàng ngày. Vai trò của ông bà rất lớn, khi là những người gần gũi và có khả năng tác động nhiều nhất đến trẻ ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, nên thường xuyên có những buổi tâm sự, chia sẻ để ông bà cùng bố mẹ phối hợp với nhau nuôi dạy trẻ hiệu quả nhất. Chúc gia đình bạn luôn thấu hiểu để yêu thương, là cái nôi để các con lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.