Phát biểu tại một sự kiện dành cho thanh niên ở thành phố Sochi, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev khẳng định nước này sẽ theo đuổi chiến dịch tại Ukraine cho tới khi đối phương đầu hàng, thêm rằng một phần lịch sử của nước Nga nên "trở về quê hương".
"Một cựu lãnh đạo Ukraine từng nói rằng Ukraine không phải là Nga", ông Medvedev nói. "Quan niệm đó cần phải biến mất mãi mãi. Ukraine chính là Nga".
Ông bác bỏ khả năng tiến hành hòa đàm với chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông nói thêm rằng bất kỳ chính phủ tương lai nào của Kiev đều phải chấp nhận "thực tế mới" nếu muốn đối thoại với Moskva, ám chỉ nhượng bộ lãnh thổ ở những vùng Nga kiểm soát.
Theo ông Medvedev, các chính sách chống Nga của chính quyền ông Zelensky khiến Kiev trở thành "mối đe dọa" với chính người dân Ukraine. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga nói Ukraine đã rơi vào "cái bẫy" của Mỹ cùng đồng minh và bị biến thành vũ khí để phương Tây chống Moskva.
Quan chức này nhận định quan hệ giữa Moskva và Washington hiện tệ hơn cả giai đoạn năm 1962, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba khiến Liên Xô và Mỹ suýt xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Chính phủ Ukraine chưa bình luận về thông tin. Trong bài phát biểu kỷ niệm hai năm nổ ra chiến sự hôm 24/2, Tổng thống Zelensky bày tỏ tin tưởng Ukraine sẽ chiến thắng Nga và cuộc xung đột sẽ chỉ chấm dứt theo điều kiện của Kiev.
Ông tháng 9 năm ngoái khẳng định Ukraine "chưa sẵn sàng" đàm phán với Nga, trừ khi lực lượng của Moskva rút khỏi lãnh thổ nước này. Tổng thống Zelensky cuối năm 2022 ký sắc lệnh không đối thoại với Nga nếu Tổng thống Putin còn tại vị.
Quan điểm của ông Medvedev về hòa đàm có sự khác biệt so với những phát ngôn trước đây của Điện Kremlin. Ông Putin tháng 12/2023 cho biết biết Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, Mỹ và châu Âu về tương lai của Kiev, dựa trên lợi ích quốc gia của Moskva.
Tổng thống Putin trước đó cũng từng nhiều lần đề cập việc thảo luận về giải pháp hòa bình cho xung đột tại Ukraine, nhưng các quan chức phương Tây cho rằng lãnh đạo Nga sẽ chờ kết quả bầu cử Mỹ 2024 trước khi tiến hành các nỗ lực đàm phán thực sự.
Phạm Giang (Theo Reuters, RT)