"Tình hữu nghị giữa nhân dân Nga và Armenia đã kéo dài hàng thế kỷ, lại được củng cố bằng các mối quan hệ đồng minh trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU). Nhưng từ lâu, mối quan hệ như vậy đã trở thành cái gai trong mắt Mỹ và đồng minh", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev viết trong bài đăng trên nhật báo Rossiiskaya Gazeta ngày 14/6.
Theo ông, đã có những nỗ lực đáng kể để lôi kéo Armenia về phía Liên minh châu Âu (EU) và NATO. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cho rằng Armenia đã nhận được những lời hứa hẹn hấp dẫn, trong đó có tư cách thành viên EU, để đổi lấy "lòng trung thành tuyệt đối" của Yerevan.
"Tuy nhiên, không nên bị đánh lừa vì những lời hứa như vậy chỉ là miếng mồi trong cái bẫy của thời thuộc địa mới. Không ai có ý định mở cánh cửa 'câu lạc bộ những nước được chọn' cho người dân Armenia", ông Medvedev nói.
"Cứ thử hỏi những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine xem họ có nắm chắc khả năng đạt được tư cách thành viên EU hay không. Không, và họ cũng sẽ không sớm được cấp tư cách thành viên. Liệu cuối cùng họ có đặt chân được vào EU không nhỉ?", ông Medvedev nói thêm.
Bài đăng của Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga xuất hiện một ngày sau khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố nước này sẽ rút khỏi CSTO, liên minh quân sự do Nga đứng đầu, song chưa định thời điểm.
Quan hệ giữa Nga và đồng minh thân cận Armenia trở nên căng thẳng sau khi Azerbaijan mở chiến dịch "chống khủng bố" tấn công phe ly khai thân Armenia tại Nagorno - Karabakh tháng 9/2023. Chiến dịch của Azerbaijan đã khiến hơn 100.000 người gốc Armenia tại Nagorno - Karabakh phải sơ tán về nước, sau khi phe ly khai chấp nhận đầu hàng.
Armenia cho rằng lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đồn trú tại Nagorno - Karabakh khi đó đã không có động thái nào, trong khi CSTO cũng không có can thiệp. Thủ tướng Pashinyan đưa ra loạt tuyên bố chỉ trích nhằm vào CSTO và Nga, khẳng định Yerevan không còn có thể dựa vào Mosvka để bảo đảm an ninh của mình. Ông cũng yêu cầu một số quân nhân Nga đồn trú tại Armenia về nước.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2018, Thủ tướng Pashinyan đã tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc an ninh vào Nga và mở rộng quan hệ với phương Tây. Ngoại trưởng Mirzoyan hồi tháng 3 cho biết nước này đang cân nhắc nộp đơn xin gia nhập EU.
Ukraine cũng nộp đơn xin gia nhập EU vài ngày sau khi chiến sự với Nga bùng phát cuối tháng 2/2022. EU hồi tháng 6/2022 cấp tư cách ứng viên cho Ukraine. Tuy nhiên, quá trình Ukraine gia nhập EU có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.
Huyền Lê (Theo TASS, Reuters)