![]() |
Ông Dâu tại tòa. Ảnh: N.H |
Cơ quan công tố nhận định, với vai trò là thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại, lẽ ra ông Mai Văn Dâu và Phó Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu Lê Văn Thắng phải có trách nhiệm thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ trong việc phân giao hạn ngạch xuất khẩu dệt may vào thị trường Hoa Kỳ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bị cáo Dâu, Thắng đã thông đồng với người khác gây khó khăn, cố tình tạo ra cơ chế xin - cho để các doanh nghiệp phải biếu xén, nhằm thu lợi bất chính.
Trong phần thẩm vấn trước đó, mặc dù Mai Văn Dâu chối bỏ việc nhận tiền, nhưng công tố viên vẫn khẳng định, từ nhiều chứng cứ và lời khai của các bị cáo đủ cơ sở xác định ông Dâu đã có 7 lần bút phê vào hồ sơ xin cấp hạn ngạch của các doanh nghiệp tại nhà riêng, nhận 4 lần tiền với tổng số 6.000 USD. "Nếu không vì động cơ tư lợi, nhận tiền của các doanh nghiệp, ông Dâu sẽ không nhiều lần làm trái quy trình", đại diện viện kiểm sát đánh giá.
Đối với hành vi môi giới hối lộ của Nguyễn Cương (nguyên phó ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM) và Bùi Văn Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Tomotake), cơ quan công tố đã thay đổi quan điểm, rút một phần truy tố so với ban đầu. Cụ thể, Viện xác định lại khoản tiền mà Nguyễn Cương "lo lót" chỉ là 6.000 USD chứ không phải 66.000 USD, Tuấn chỉ có 110.000 USD chứ không phải trên 120.000 USD như cáo trạng ban đầu.
Riêng bị cáo Võ Thị Thanh Hằng (nguyên Giám đốc DNTN Hoàng Trí) VKS cho rằng, hành vi dùng hóa đơn đã sử dụng xin cấp quota lần 1 để xin cấp đợt 3 là gian dối. Tuy nhiên, với lý do: "Hành vi này chỉ vi phạm trình tự thủ tục hành chính", công tố viên đã rút quyết định truy tố tội làm, lưu hành giấy tờ giả đối với Hằng.
Các bị cáo khác dù không thừa nhận hành vi hoặc thay đổi lời khai so với trước đó tại cơ quan điều tra, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như trước đó.
![]() |
Các bị cáo đang nghe luật sư bào chữa. Ảnh: N.H |
Nhận hối lộ vì không có điều kiện trả lại
Ngay sau phần luận tội của cơ quan công tố, luật sư Phạm Hồng Hải bào chữa cho Mai Văn Dâu cho rằng, VKS đã suy diễn. "Nếu vì động cơ vụ lợi thì trong 7 lần bút phê, ông Dâu phải nhận hối lộ cả 7 lần chứ tại sao lại có 4 lần nhận với số tiền là 6.000 USD?", Luật sư Hải lập luận. Hơn nữa, theo ông Hải nhiều lời khai của các bị cáo khác trong vụ án cho thấy, ông Dâu có những lần bút phê mà "không có gì".
Lý giải việc trước cơ quan điều tra vị thân chủ của mình đã từng khai nhận nhỏ giọt về hành vi cầm tiền, luật sư cho rằng, đó là vì "tâm lý, mong được trở về nhà chữa bệnh". Ông cũng đưa ra lời khai của các bị cáo trước phiên tòa rằng, điều tra viên bảo ông Dâu nhận tội vì Cương khai đưa hối lộ cho ông 38.000 USD "liệu đó có phải là dụ cung, mớm cung", ông Hải nêu. Từ đó, luật sư kết luận, "chưa đủ chứng cứ kết tội nhận hối lộ đối với ông Dâu, việc ông Dâu tiếp xúc và bút phê trái quy định đối với các doanh nghiệp chỉ là sai phạm hành chính. Nếu không chứng minh được thì cần tuyên bố ông Dâu không phạm tội".
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Phan Trung Hoài cũng cho rằng, vụ án chưa được xem xét toàn diện và khách quan. Cụ thể, là cơ chế phân bổ hạn ngạch do các cơ quan liên bộ phụ trách nhưng quy kết trách nhiệm cho ông Dâu là không đúng. "Ông Dâu cũng không thể một mình quyết định việc cấp quota cho một doanh nghiệp nào đó mà phải thông qua quy trình và các đơn vị có thẩm quyền", ông Hoài nói.
Hơn nữa, luật sư Hoài cũng cho rằng, các bút phê của ông Dâu trên các hồ sơ không có dòng nào yêu cầu phải xét cấp hạn ngạch. Ngoài ra, có một số hồ sơ dù có bút phê của ông Dâu vẫn không được xét cấp hạn ngạch. "Còn việc ông Dâu tiếp khách tại nhà là do nể nang" luật sư này nhìn nhận.
Trước đó, bào chữa cho bị cáo Lê Văn Thắng, luật sư Hoàng Thị Mỹ Đức đề nghị HĐXX giảm mức án thấp nhất của khung hình phạt là 7 năm tù cho bị cáo này. Luật sư Đức cho rằng, ông Thắng thường rơi vào tình trạng bị "ép" nhận hối lộ vì các phong bì thường để trong các gói quà và được đem đến trong những dịp lễ tết và bị cáo Thắng không có điều kiện trả lại.
Ngày mai, các luật sư sẽ tiếp tục bào chữa cho các bị cáo khác.
Mức án VKS đề nghị đối với các bị cáo trong vụ án: 1. Nhóm bị cáo bị truy tố tội nhận hối lộ: - Mai Văn Dâu (nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại): 10-12 năm. - Lê Văn Thắng (nguyên Vụ phó Vụ XNK): 14 - 16 năm 2. Nhóm bị cáo tội làm môi giới hối lộ: - Bùi Văn Tuấn (Giám đốc Tomotake Việt Nam): 10 – 12 năm. - Nguyễn Cương (nguyên Phó Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM): 8 – 10 năm. - Bùi Thị Huyền Nga: 2 -3 năm. 3. Nhóm bị cáo tội đưa hối lộ: - Lai Wai Hung (nguyên Phó Tổng giám đốc Cty TNHH Sundence Clothings VN) và Trần Thu Lan (nguyên Phó giám đốc Cty TNHH May và Thương mại Á châu): 6 – 8 năm. - Lưu Thị Minh Hiền (giám đốc Cty TNHH Hải Minh): 2 – 3 năm. 4. Nhóm bị cáo tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi: - Phan Nghĩa Hiệp: 6 - 8 năn - Trịnh Thị Hồng Điệp và Phạm Anh Tuấn: 2 – 3 năm. 5. Bị cáo Mai Thanh Hải (con trai ông Dâu) bị đề nghị 4 - 6 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 1 - 2 năm tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức. Tổng mức hình phạt Hải bị đề nghị là từ 5 - 8 năm. 6. Bị cáo Trần Văn Sửu (nguyên Trưởng phòng XNK khu vực Hải Phòng, Bộ Thương mại): từ 2 – 3 năm tù tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi nhưng được đề nghị cho hưởng án treo. |
Nguyễn Hải