Sáng 1/10, ông Dũng chủ trì cuộc làm việc của tổ công tác Thủ tướng với 10 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ 9 tháng đầu năm.
Ông Dũng nói, kết quả kiểm tra cho thấy việc ban hành nghị định còn rất nhiều, dẫn chứng Bộ luật Lao động (sửa đổi) có tới 15 nghị định, cần giảm bớt nhiều nhất là 3. Cách làm là đưa một khoản của nghị định này vào nghị định mới, đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, không khó.
"Đã có nghị quyết của Chính phủ, một văn bản sửa nhiều văn bản, dứt khoát phải chỉ đạo gom lại. Giờ ban hành nhiều thế này không chấp nhận được, một đất nước mà văn bản chồng chất, ngay chúng ta cũng không nhớ hết, rất khổ", ông nói.
Ông Dũng dẫn kinh nghiệm từ Anh, giai đoạn một là ban hành một văn bản mới phải hủy một văn bản cũ; giai đoạn hai ban hành một mới phải hủy hai cũ. Nước này đang bước vào cải cách giai đoạn ba, ban hành một văn bản mới phải hủy ba văn bản cũ. Vì vậy, các cơ quan nước này hạn chế trình văn bản mới nếu không hủy được cái cũ.
Thủ tướng luôn nhắc các đơn vị kịp thời phát hiện vướng mắc, chồng chéo, mâu thuẫn để đề xuất Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong Covid-19. Tuy nhiên, ông Dũng đánh giá tình hình nợ đọng văn bản còn rất nhiều.
Đến nay, còn 18 văn bản nợ đọng của các bộ, trong đó 3 văn bản có lý do khách quan là quy định về vấn đề mới, cần xin ý kiến cơ quan chức năng một cách cẩn trọng. Còn lại 15 văn bản chậm vì lý do chủ quan, như: cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo chưa tích cực; cơ quan có trách nhiệm phối hợp, tham gia ý kiến trả lời còn chậm trễ; cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo chậm tiếp thu, tiếp thu không đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ nên phải gửi đi gửi lại.
"Các cơ quan tập trung xử lý, không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết trước khi diễn ra kỳ họp thứ 10 của Quốc hội", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kiến nghị.
Giải trình tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, năm 2020 Bộ đăng ký 15 nghị định hướng dẫn chi tiết Bộ luật Lao động (sửa đổi); đã trình 2, xin lùi thời gian trình 2 nghị định sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Nghị định về tổ chức đại diện người lao động và Quy định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể có tính chất phức tạp, nhạy cảm, cần được nghiên cứu thêm.
Ông Lê Thanh Tùng, Vụ trưởng Tổng hợp (Văn phòng Chính phủ), cho biết từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành 37 văn bản, nợ đọng 18 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực pháp luật, thuộc trách nhiệm của các bộ Tài chính, Công an, Nội vụ, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ. Trong đó nhiều nhất là Bộ Tài chính với 6 nghị định, Công an 5, Nội vụ 4.
Về chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng, 9 tháng năm 2020 có 301 đề án phải trình, đến nay còn nợ đọng 35 đề án.