-
18h20
Lãnh đạo Bộ Giao thông nói về kiến nghị của phi công Vietnam Airlines
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Nhật được nhận được câu hỏi về việc một nhóm phi công Vietnam Airlines (VNA) vừa gửi kiến nghị đến Chính phủ về các nội dung của thông tư 41 và thông tư 21.
Ông Nguyễn Nhật cho hay, Luật Hàng không dân dụng đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Giao thông quy định về chế độ lao động đặc thù với nhân viên hàng không.
Hai thông tư trên được Bộ Giao thông ban hành để điều chỉnh người lao động trong lĩnh vực hàng không; đây là lĩnh vực đặc biệt vì liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh hàng không...
Theo quy định của Thông tư, nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người sử dụng 180 ngày. Còn quy định tại Luật Lao động thì nêu, người lao động ký hợp đồng không thời hạn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày.
Như vậy Luật Lao động chỉ quy định mức độ tối thiểu chứ không quy định mức độ tối đa.
Mặt khác, tại khoản 2, điều 31, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định trường hợp có sự khác nhau giữa luật này với luật khác cùng nội dung liên quan đến hàng không thì áp dụng quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Nghĩa là cơ quan quản lý Nhà nước được ưu tiên sử dụng các quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, vì sự an toàn của ngành hàng không.
Trước đó, trong đơn kiến nghị, các phi công đã phân tích những bất cập trong thông tư 41 và thông tư 2, và cho rằng hai thông tư của Bộ Giao thông, Vietnam Airlines đã đưa ra những khoản bồi hoàn vô lý và quá lớn so với người lao động (từ 2 tỷ đến 3,5 tỷ đồng) nhưng không có những hóa đơn hợp lệ để chứng minh theo quy định của Bộ Luật Lao động. Cùng với đó, phi công thôi việc phải báo trước 120 ngày là không phù hợp với quy định của Bộ Luật lao động.
-
18h10
Đề xuất bỏ dự án Thép Việt Trung ra khỏi danh sách dự án thua lỗ nghìn tỷ
Liên quan tới dự án thép Việt Trung nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, kết quả kinh doanh của dự án này năm 2017 có lãi 411 tỷ, 5 tháng đầu năm 2018 lãi gần 500 tỷ.
"Khi dự án có lãi thì doanh nghiệp mong muốn được ra khỏi dự án thua lỗ. Nếu được đối tác, ngân hàng nhìn nhận như doanh nghiệp bình thường thì họ sẽ tiếp cận vốn tốt hơn. Đây là mong muốn chính đáng của doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã xem xét và đề xuất với Trưởng ban chỉ đạo xử lý dự án thua lỗ vấn đề này", ông Hải nói.
-
18h05
Bình ổn giá xăng dầu
Đề cập tới điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mặt hàng này đã được điều hành theo giá thị trường, nên “mua đắt thì bán đắt, rẻ thì bán rẻ”. Song liên Bộ Công Thương - Tài chính ưu tiên sử dụng các biện pháp bình ổn như Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để kìm mức tăng quá lớn của mặt hàng này.
Ông Hải cho hay, 5 tháng vừa qua giá xăng dầu tăng trung bình 28-37%, tuy nhiên do chi Quỹ bình ổn xăng dầu để bù việc tăng giá, nên các mặt hàng xăng dầu thực tế chỉ tăng 9%, tương đương gần 1.700 đồng một lít. Ông Hải cho rằng, đây là sự nỗ lực lớn của liên Bộ.
"Không tăng giá điện, dùng các biện pháp bình ổn giá xăng dầu sẽ đảm bảo mặt hàng này tăng ở mức thấp nhất, góp phần đảm bảo CPI năm 2018 tăng dưới 4%", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
-
17h45
Tăng trưởng kinh tế không dựa vào dầu thô, than đá
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tăng trưởng quý I năm 2018 là 7,38%, tăng trưởng năm 2017 đạt 6,81% và các kết quả này không dựa vào tăng sản lượng khai khoáng như dầu thô, than; tăng trưởng đều ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp (chế biến, chế tạo, dịch vụ)...
Ông minh chứng, hiện tỷ lệ khai khoáng giảm 2,2%. Năm 2015 khai thác dầu thô đạt 16,8 triệu tấn, nhưng đến nay chỉ còn 11 triệu tấn. Tỷ trọng đóng góp dầu thô trong ngân sách trước đây là 28% nhưng hiện nay chỉ còn 2,8%.
"Kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu trong các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhằm đạt mục tiêu GDP tăng 6,7% năm nay", ông Dũng nêu.
-
17h38
Bộ Công an: Nên giữ tên gọi là trạm thu phí BOT
Theo VTV, tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể một lần nữa xin nhận trách nhiệm về những yếu kém của ngành, đặc biệt là lĩnh vực đường sắt; đồng thời gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân trong những vụ tai nạn đường sắt vừa qua.
Bộ trưởng Thể cho hay, sau 4 vụ tai nạn vừa qua, Tổng công ty Đường sắt đang xử lý những người có liên quan. Đây cũng là dịp chấn chỉnh toàn bộ hoạt động của ngành này.
Về tên gọi của các trạm thu phí giao thông BOT, Bộ xin được nghiên cứu tiếp để đưa ra tên gọi phù hợp.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói, phí giao thông BOT cũng tương tự như học phí và viện phí, trong đó, viện phí dù đã được điều chỉnh để tiếp cận giá trị trường nhưng vẫn có tên gọi như vậy, nên không việc gì phải đổi tên để tạo tâm lý không tốt trong người dân. Quan điểm của Bộ Công an cũng là nên giữ tên gọi là trạm thu phí BOT.
Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu thêm, nhưng không được gọi là trạm thu giá.
Trước đó theo báo cáo của Bộ Giao thông, từ ngày 1/1/2017 đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật Phí và lệ phí và “Phí sử dụng đường bộ” được chuyển đổi thành “Giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh".
Các thông tư của Bộ đã quy định rõ, đầy đủ “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhà đầu tư đã sử dụng tên gọi tắt là “Trạm thu giá” tạo ra những ý kiến trong dư luận vừa qua.
-
17h35
Không tăng giá điện trong năm nay
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng nền kinh tế còn nhiều hạn chế, yếu kém, thách thức và yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành “không được chủ quan trong điều hành vì tình hình thế giới biến đổi rất nhanh”.
Ông cũng lưu ý chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước, là mức tăng khá cao (chủ yếu do tăng giá xăng dầu, thịt lợn hơi). Theo đó, Chính phủ phải tính toán tổng thể các giải pháp để kiểm soát lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đưa ra. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “để lạm phát không quá 4% phải được quán triệt trong điều hành ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương”.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và một số bộ phát biểu về vấn đề này theo hướng không tăng giá điện trong năm nay, chỉ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục nếu điều kiện cho phép vào thời điểm phù hợp; cùng với đó, điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn.
Thủ tướng cũng nhắc đến việc cắt giảm 50% thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh còn chưa triệt để.
“Nhiều Bộ tuyên bố cắt giảm thủ tục nhưng còn hình thức, chưa thực chất, vẫn còn khó khăn cho doanh nghiệp, cho môi trường đầu tư. Nghị quyết 19 đã công bố những chỉ tiêu rất cụ thể nhưng một số cấp, một số ngành chưa quyết liệt. Chúng ta cần thảo luận vấn đề này để tạo môi trường đầu tư tốt hơn, để đạt mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và doanh nghiệp của chúng ta thay đổi về chất”, Thủ tướng nói.
-
17h30
Khách du lịch đạt trên 6,71 triệu lượt trong 5 tháng
Ngày 2/6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2018.
Điểm lại tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng qua, Thủ tướng nhìn nhận có nhiều điểm tiến triển tích cực, đáng mừng.
Các tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế và các ngân hàng thương mại được cải thiện xếp hạng tín nhiệm. Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI của tháng 5 tăng lên 53,9 điểm, cao nhất trong ASEAN. Sản xuất nông nghiệp phát triển tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,7%.
Đánh giá cao nhiều địa phương đã năng nổ, chủ động tìm nguồn lực phát triển, Thủ tướng bày tỏ, “có không khí thi đua để tăng trưởng” của các địa phương.
Sức cầu trong nước cải thiện mạnh mẽ. Tiêu dùng nội địa tích cực, cụ thể là tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2018 tăng 10,1% so với cùng kỳ. Khách du lịch đạt trên 6,71 triệu lượt khách, tăng 27,6%. Xuất khẩu 5 tháng đạt trên 93 tỷ USD, tăng gần 16%. Xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8%. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển tích cực. 5 tháng, có gần 53.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký bổ sung khoảng 1,4 triệu tỷ đồng.