"Đại sứ Sylvain Itte và nhân viên ngoại giao đang bị bắt làm con tin trong sứ quán Pháp. Họ ngăn cản việc giao thực phẩm nên đại sứ đang sống nhờ khẩu phần quân đội", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với phóng viên ở thị trấn Semur-en-Auxois, miền đông nước Pháp, ngày 15/9.
Sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum ngày 26/7, chính quyền quân sự Niger yêu cầu đại sứ Pháp Itte phải rời khỏi đất nước. Tuy nhiên sau thời hạn 48 giờ, ông Itte vẫn ở lại Niger vì chính phủ Pháp không công nhận tính hợp pháp của chính quyền quân sự.
Cuộc đảo chính đã bị Pháp và hầu hết nước láng giềng của Niger lên án. Theo Tổng thống Macron, đại sứ Pháp "không thể ra ngoài, bị trục xuất và không được cung cấp thức ăn".
Khi được hỏi liệu Pháp có cân nhắc đưa ông về nước hay không, Tổng thống Macron nói "sẽ làm bất cứ điều gì chúng tôi đã thống nhất với Tổng thống Bazoum vì ông ấy có thẩm quyền hợp pháp". "Tôi trao đổi với ông ấy hàng ngày", ông Macron cho hay.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna sau đó cho biết đại sứ "đang làm việc" và duy trì chức vụ bao lâu tùy theo quyết định của Paris.
"Đại sứ đang phát huy vai trò nhờ các mối liên hệ cũng như đội ngũ của ông ấy", bà Colonna nói, thêm rằng vẫn còn một nhóm nhỏ đi cùng đại sứ.
Pháp duy trì khoảng 1.500 binh sĩ ở Niger để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bazoum đối phó phiến quân Hồi giáo cực đoan. Quan hệ song phương lao dốc sau khi quân đội đảo chính lật đổ ông Bazoum cuối tháng 7. Pháp tuyên bố ủng hộ tổng thống bị lật đổ, từ chối công nhận chính quyền quân sự.
Chính quyền quân sự Niger ngày 3/8 hủy các thỏa thuận quân sự với Pháp, tuyên bố trục xuất đại sứ Pháp Sylvain Itte và rút quyền miễn trừ ngoại giao của ông. Pháp từ chối thực hiện yêu cầu, nói rằng chính quyền hiện tại không có quyền hợp pháp để trục xuất đại sứ.
Người Niger ủng hộ chính quyền quân sự nhiều lần biểu tình yêu cầu Pháp rút quân. Paris đầu tháng cho biết bất kỳ việc tái triển khai nào chỉ có thể được đàm phán với ông Bazoum.
Huyền Lê (Theo AFP)