"Tôi vô cùng tự hào. Thật khó để tạo ra việc làm mà không có các công ty, doanh nghiệp", Tổng thống Emmanuel Macron trả lời phóng viên bên lề một sự kiện ở Crolles, đông nam Pháp, hôm nay, khi được hỏi về các cuộc trao đổi giữa ông và Uber. "Tôi sẽ tiếp tục làm điều đó trong tương lai".
"Chúng ta đang tạo ra một bầu không khí mà ở đó việc gặp các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là người nước ngoài, như điều gì tồi tệ", ông Macron nói thêm. "Nhưng tôi hoàn toàn thừa nhận đã gặp họ".
Nhật báo Le Monde của Pháp trước đó dẫn các tài liệu rò rỉ cáo buộc ông Macron đã đạt một "thỏa thuận bí mật" với Uber khi ông còn là bộ trưởng kinh tế Pháp giai đoạn 2014 - 2016, dưới thời tổng thống Francois Hollande. Bài viết nêu ra những hỗ trợ từ Bộ Kinh tế Pháp khi đó nhằm giúp Uber củng cố vị thế tại nước này, như gợi ý công ty trình bày những quy định họ muốn thay đổi để Bộ Kinh tế Pháp thúc đẩy.
Sau khi thông tin được truyền thông công bố, Tổng thống Pháp đã bị các đối thủ chỉ trích, cáo buộc ông "không chỉ là một người ủng hộ mà còn gần như là đối tác" của Uber, công ty có trụ sở tại Mỹ.
Le Monde trước đó cho biết một số cuộc họp của ông Macron với giám đốc điều hành Uber không được ghi lại trong nhật ký công việc chính thức và diễn ra mà không có các thành viên khác của chính phủ thời kỳ đó.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp cho biết ông đã gặp đại diện Uber một cách chính thức, tiếp tục nhấn mạnh ông tự hào về hành động này bởi nó "tạo ra việc làm ở Pháp".
Ông Macron, một cựu giám đốc ngân hàng đầu tư, từ lâu có quan điểm công khai ủng hộ Uber dù công ty này vấp nhiều phản đối từ các tài xế taxi và hứng chỉ trích từ các thành viên nội các. Tổng thống Pháp ủng hộ công ty này vì cho rằng nó cung cấp việc làm cho người dân thu nhập thấp và phá vỡ thế độc quyền của các công ty taxi.
Guardian và Le Monde hôm 10/7 cho biết họ thu được hơn 124.000 tài liệu bị rò rỉ từ năm 2013 đến năm 2017, khi Uber được điều hành bởi người đồng sáng lập Travis Kalanick. Dữ liệu gồm 83.000 email, tin nhắn iMessages và WhatsApp liên quan đến hoạt động của Uber tại 40 quốc gia, trong đó có các liên lạc thẳng thắn giữa Kalanick và nhóm giám đốc của ông.
Tài liệu cho thấy Kalanick đã cố gắng đưa dịch vụ gọi xe vào các thành phố trên khắp thế giới, bất chấp điều đó vi phạm luật và quy định về taxi. Trong thời gian hứng chịu phản ứng dữ dội trên toàn cầu, Uber đã cố tăng cường sự ủng hộ bằng cách bí mật thuyết phục các thủ tướng, tổng thống, tỷ phú, nhà tài phiệt và các ông trùm truyền thông.
Hồ sơ rò rỉ chứa các tin nhắn giữa Kalanick và ông Macron, người đã "bí mật giúp đỡ" công ty ở Pháp khi ông còn là bộ trưởng kinh tế. Ông Joe Biden, khi đó là phó tổng thống Mỹ, cũng bày tỏ ủng hộ Uber vào giai đoạn này.
Trong một tuyên bố phản hồi về vụ rò rỉ, Uber thừa nhận "những sai lầm", nhưng cho biết họ đã chuyển đổi từ năm 2017 dưới sự lãnh đạo của giám đốc điều hành hiện tại Dara Khosrowshahi.
Thanh Tâm (Theo AFP)