Cáo buộc với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được đưa ra dựa trên hơn 124.000 tài liệu rò rỉ của Uber, công ty cung cấp dịch vụ gọi xe có trụ sở ở Mỹ. Báo Anh Guardian cùng Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) ngày 10/7 công bố những kết quả điều tra ban đầu, gọi bê bối là "Hồ sơ Uber".
Nhật báo Le Monde của Pháp dẫn các tài liệu cáo buộc Uber đã đạt một "thỏa thuận bí mật" với ông Macron khi còn là bộ trưởng kinh tế giai đoạn 2014 - 2016, dưới thời tổng thống Francois Hollande. Bài viết nêu ra những hỗ trợ từ Bộ Kinh tế Pháp khi đó nhằm giúp Uber củng cố vị thế tại nước này, như gợi ý công ty trình bày những quy định họ muốn thay đổi để cơ quan thúc đẩy.
Các lãnh đạo đối lập Pháp ngày 10/7 lên án điều họ mô tả là sự hợp tác chặt chẽ giữa Macron và Uber vào thời điểm công ty muốn lách các quy định chặt chẽ của Pháp trong lĩnh vực này.
Chi nhánh Uber tại Pháp xác nhận hai bên đã có trao đổi nhưng các cuộc gặp với ông Marcon khi đó là hoàn toàn bình thường với trách nhiệm của một bộ trưởng kinh tế.
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết ông Macron, với tư cách bộ trưởng kinh tế, "đương nhiên phải tiếp xúc với nhiều công ty muốn tạo ra thay đổi trong ngành dịch vụ vào giai đoạn được nhắc đến. Và họ được tạo điều kiện bằng cách điều chỉnh quy định hoặc trở ngại pháp lý nhất định".
Tuy nhiên, Mathilde Panot, nghị sĩ đảng đối lập cực tả Nước Pháp Bất khuất, mô tả đây là "hành vi cướp phá đất nước". Bà gọi ông Macron là "nhà vận động hành lang" cho một "công ty đa quốc gia Mỹ muốn xóa bỏ vĩnh viễn những quy định trong luật lao động".
Lãnh đạo đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel nhận định câu chuyện đăng trên Le Monde là "tiết lộ chấn động về vai trò của Emmanuel Macron, khi còn là bộ trưởng, trong việc tạo điều kiện cho Uber phát triển ở Pháp".
"Điều đó đi ngược lại mọi quy định, mọi quyền xã hội của chúng ta và quyền lợi của người lao động", ông viết trên Twitter. Phó lãnh đạo đảng Cộng sản Pháp Pierre Dharreville kêu gọi quốc hội mở cuộc điều tra.
Jordan Bardella, chủ tịch đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia, đánh giá sự hé lộ cho thấy sự nghiệp của ông Macron có "một chủ đề chung: phục vụ lợi ích tư nhân, thường là của nước ngoài, trước lợi ích quốc gia".
Guardian cho biết họ thu được hơn 124.000 tài liệu bị rò rỉ từ năm 2013 đến năm 2017, khi Uber được điều hành bởi người đồng sáng lập Travis Kalanick. Dữ liệu gồm 83.000 email, tin nhắn liên quan đến hoạt động của Uber tại 40 quốc gia. Hơn 180 nhà báo tại 40 hãng truyền thông trong những ngày tới sẽ xuất bản loạt phóng sự điều tra về gã khổng lồ công nghệ này.
Như Tâm (Theo AFP)