Sàn thương mại điện tử nông sản được Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) vận hành từ hôm nay. Việc này nhằm tận dụng lợi thế mạng lưới 13.000 điểm phục vụ phủ tới vùng sâu, miền núi và hải đảo của doanh nghiệp này, trong đó trên 8.000 bưu điện-văn hóa.
Điểm khác biệt của sàn nông sản này là gắn mỗi sản phẩm với câu chuyện văn hóa, đặc điểm vùng trồng, đồng thời hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và bán nông sản qua mạng lưới cửa hàng offline của bưu điện, theo ông Nguyễn Trường Giang, phụ trách Hội đồng thành viên Vietnam Post.
Ngoài thị trường nội địa, sàn nông sản dự kiến chinh phục người tiêu dùng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. "Đây cũng là quá trình chuyển mình của Bưu điện Việt Nam từ một doanh nghiệp vận chuyển sang đơn vị tham gia vào thương mại điện tử và nông sản", ông Phạm Quyết Tiến, Giám đốc Trung tâm kinh doanh sàn nông sản và thương mại điện tử của Vietnam Post nói thêm.
Thực tế, Vietnam Post lập sàn thương mại điện tử về nông sản từ năm 2017, với tên ban đầu là Bahasa, sau đổi sang Postmart. Hiện website này đã dừng hoạt động.
Theo Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số 2024-2025, Thủ tướng yêu cầu tăng kết nối nông dân với người mua trên toàn quốc, đồng thời phát triển và thúc đẩy sử dụng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc nông sản.
Một số doanh nghiệp logistics có động thái mở rộng sang thương mại điện tử. Đầu tháng 12, Tổng công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) tuyên bố sắp ra mắt sàn bán sỉ xuyên biên giới hai chiều đầu tiên tại Việt Nam. Ahamove cũng bước sang mảng giao đồ ăn trực tuyến, vận hành theo hướng hỗ trợ người bán trong vận đơn, giao hàng, không phát triển theo mô hình nền tảng thứ ba (platform).
Bảo Bảo