Trong thư gửi cổ đông mới đây, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) - nhận trách nhiệm khi không hoàn thành kế hoạch đề ra.
Năm ngoái, tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt hơn 7.500 tỷ đồng, giảm 47% so với năm 2022 và đạt 60% so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 1.100 tỷ đồng, giảm lỗ 57% nhưng vỡ kế hoạch đề ra là lãi 125 tỷ đồng.
"Là người sáng lập của Tập đoàn Hòa Bình, tôi xin khẳng định luôn xem đây là đứa con ruột thịt, đáng quý của mình. Trong suốt 36 năm qua, đặc biệt năm 2023 nhiều thử thách, khó khăn nhất, tôi vẫn luôn cố gắng hết sức, làm tất cả mọi điều có thể để chèo lái con thuyền Hòa Bình vượt qua sóng gió, đồng thời cam kết luôn bảo vệ quyền lợi cao nhất của cổ đông", ông nói.
Ông Hải cho rằng năm ngoái, Hòa Bình mở đầu bằng cuộc "nội chiến", sau đó phải đối mặt với những khó khăn lớn trong kinh doanh khi lĩnh vực bất động sản đi xuống, nhất là phân khúc du lịch nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên ban lãnh đạo đã nhận được sự ủng hộ của nhân viên, đối tác, chủ đầu tư và các nhà thầu phụ, nhà cung cấp. Tính đến ngày 18/4, hơn 99 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý ký biên bản thỏa thuận hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu HBC đạt giá trị trên 660 tỷ đồng.
"Hòa Bình đã vượt qua tình thế bĩ cực, ngàn cân treo sợi tóc", lãnh đạo HBC khẳng định.
Ông Hải thừa nhận doanh nghiệp này chưa thực hiện thành công kế hoạch tái cấu trúc về tài chính. Do đó, HBC vẫn trong điều kiện khó khăn, eo hẹp về tài chính.
Tuy nhiên họ vẫn hoàn thành đúng tiến độ các dự án trong nước để giữ uy tín. Thời gian tới, lối ra của Hòa Bình còn nằm ở việc tiếp cận và phát triển thị trường nước ngoài. Đầu năm, công ty đã nhận được thư dự định giao thầu 5 dự án xây dựng nhà ở xã hội của Bộ đất đai, Công trình công cộng, Nhà ở và Phát triển Đô thị Kenya với tổng mức đầu tư 72 triệu USD.
Năm nay, Hòa Bình đặt mục tiêu có 10.800 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và lãi sau thuế 433 tỷ đồng. Nếu thành công, mức lãi của công ty sẽ trở lại tương đương năm 2019, thời điểm trước khi ngành xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và phản ứng dây chuyền từ thị trường bất động sản. Tuy nhiên con số trên vẫn cách khá xa so với giai đoạn đỉnh lợi nhuận 2016-2018.
Thời gian tới, ban lãnh đạo nói công ty sẽ theo nguyên tắc: tăng thu, giảm chi. Năm nay, công ty dự định tham gia đấu thầu trong nước 9.000-10.000 tỷ đồng với khối lượng thực hiện khoảng 40-45%. Song song đó, Hòa Bình sẽ triển khai nhiều dự án tại thị trường nước ngoài đến năm 2028 gồm Mỹ, Vanuatu, Australia, châu Phi.
Công ty cũng đang ráo riết thu hồi các khoản nợ khó đòi. Tính đến cuối năm 2023, Xây dựng Hòa Bình có gần 3.265 tỷ đồng nợ xấu, tăng 20%.
Tất Đạt