Ông Lê Thế Thọ nhận giải thưởng. Ảnh: Anh Tuấn |
Các ứng cử viên khác có số phiếu ủng hộ lần lượt là Nguyễn Cao Cường (12), Nguyễn Thế Anh (6), Nguyễn Trọng Giáp và Trần Duy Long (cùng 4), Nguyễn Hồng Sơn (3) và Lê Huỳnh Đức (1). Như vậy, ông Lê Thế Thọ sẽ đại diện cho Việt Nam nhận danh hiệu "Cầu thủ vàng" do AFC trao tặng, nhân dịp LĐBĐ châu Á kỷ niệm 50 năm ngày thành lập vào 8/5. Hồi cuối tháng 2, trong cuộc bình bầu phạm vi hẹp chỉ có sự tham gia của đại diện các CLB bóng đá VN và Hội đồng HLV quốc gia, ông Thọ cũng đã chiến thắng.
Ông Tam Lang ký lưu niệm vào bóng. |
BTC cuộc bình bầu đã phát ra 158 phiếu tới các cá nhân và tổ chức. Mỗi tổ chức hoặc cá nhân chỉ được nhận một phiếu bầu. Cá nhân là các Chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký LĐBĐ Việt Nam các khóa, Các Uỷ viên Thường vụ LĐBĐ Việt Nam khóa IV, các Ủy viên Hội đồng HLV quốc gia khóa II. Ngoài ra, các nhà báo thể thao lão thành như Tú Hào, Trần Can, Lê Bách, Nguyễn Lưu, Chánh Trinh cũng được mời tham gia bỏ phiếu. Các tổ chức tham gia bỏ phiếu là Vụ TDTTTT cao II, Sở TDTT các địa phương có đội bóng tham gia giải Ngoại hạng, hạng Nhất, hạng Nhì, các LĐBĐ địa phương là thành viên LĐBĐ VN, các CLB chuyên nghiệp và hạng Nhất cùng các cơ quan thông tin đại chúng (25 báo đài trên toàn quốc). BTC thu về tổng cộng 128 phiếu, trong đó có 125 phiếu bầu hợp lệ, 2 phiếu trắng và một phiếu không hợp lệ.
Tiêu chuẩn "Cầu thủ vàng" - Thời gian hoạt động của cầu thủ trong khoảng thời gian từ 1954 tới năm 2004 - Tham gia đội tuyển quốc gia và thi đấu xuất sắc được công luận tôn vinh - Có phẩm chất đạo đức tốt. Không vi phạm pháp luật - Sau thi đấu có trình độ chuyên môn cao và cống hiến cho sự phát triển nền bóng đá nước nhà, khu vực và thế giới |
7 ứng viên do Liên đoàn đề xuất: Thế hệ 1: Phạm Huỳnh Tam Lang, Trần Duy Long, Lê Thế Thọ Thế hệ 2: Nguyễn Trọng Giáp Thế hệ 3: Nguyễn Cao Cường Thế hệ 4: Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn Các nhà báo đề nghị đưa tên Thế Anh (Ba Đẻn) vào danh sách ứng viên, và Liên đoàn chấp nhận. |
Ông Lê Thế Thọ sinh năm 1941 tại Hải Dương, đến với bóng đá từ phong trào học sinh. Năm 15 tuổi, ông được gọi vào tập trung ở trường Huấn luyện TDTT và chỉ một năm sau đã khoác áo đội tuyển quốc gia và là thành viên của đội tuyển trong 10 năm liền. Sau khi giã từ sân cỏ, ông theo học tại Học viện Khoa học bóng đá Leipzig (CHDC Đức), lấy bằng cao học. Trở về nước, ông được chỉ định là HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và từng dẫn dắt đội tuyển thắng đội Quân đội Liên Xô với kết quả 4-3. Từ 1978 đến 1989, ông giữ chức Tổng thư ký Lâm thời của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), sau đó là Tổng thư ký VFF nhiệm kỳ I từ 1989 đến 1993. Nhiệm kỳ II (1997-2001), ông giữ chức Phó chủ tịch VFF. Từ 2001 đến nay, ông là chuyên viên cao cấp kiêm trợ lý của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Nguyễn Danh Thái.
Cũng trong sáng nay, toàn bộ 12 thành viên Ban thường vụ Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã thống nhất đề cử cố danh thủ Trương Tấn Bửu đại diện cho bóng đá nước nhà nhận huân chương 100 năm FIFA. Cố danh thủ Trương Tấn Bửu là cầu thủ vừa có tài vừa có đức, được quần chúng hâm mộ trong cả nước yêu quý. Ông sinh trưởng và thi đấu nhiều năm ở đất phương nam, từng dẫn dắt đội Thể Công và đội tuyển quốc gia gặt hái nhiều thành công. Không chỉ ở làng bóng đá trong nước, khi ra nước ngoài, ông cũng được nhiều người biết tiếng. Ông Bửu chính là thân sinh của danh thủ Trương Tấn Nghĩa, cầu thủ nổi danh thời gian 1955-1965.
X. Toản - H. Linh
|