Ông Vũ cho biết giao dịch này nhằm mục đích tăng tỷ lệ nắm giữ. Nếu mua thành công 3 triệu cổ phiếu bằng phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận từ ngày 17/1 đến 15/2, người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen sẽ sở hữu hơn 52,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 12,45% vốn tại đây.
Cổ phiếu HSG tăng 2% so với tham chiếu khi chốt phiên ngày 14/1, lên 8.100 đồng. Tính theo giá này thì ông Vũ cần khoảng 24 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 13/1, ông Vũ khẳng định Hoa Sen đã cơ bản vượt qua giai đoạn khắc nghiệt nhất của thị trường. Dư nợ cuối năm nay khoảng 8.000 tỷ đồng và giảm còn 6.000 tỷ đồng vào cuối năm sau. Theo đó, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu chỉ hơn một lần.
"Như vậy không có lý do gì cổ phiếu HSG không lên lại, trong khi giá trị sổ sách đang 14.000-15.000 đồng. Cổ phiếu quay lại mức 20.000 đồng, thậm chí 30.000 đồng chỉ còn là câu chuyện tương lai", ông Vũ nói, đồng thời dẫn chứng việc giá cổ phiếu hồi phục theo tình hình kinh doanh từng xảy ra vào cách đây 10 năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất ổn, giới quan sát vẫn tỏ ra thận trọng trước triển vọng kinh doanh và tiềm năng tăng giá cổ phiếu HSG. Điển hình như tại báo cáo chiến lược năm 2020, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến khích nhà đầu tư theo dõi sát sao dòng vốn và giao dịch với các bên liên quan của doanh nghiệp đầu ngành tôn mạ để ra quyết định đầu tư.
"Các hoạt động đầu cơ ngắn hạn rất khó để ghi nhận kịp thời. Nhà đầu tư cần đánh giá rủi ro quản trị doanh nghiệp trước khi giải ngân đầu tư vào cổ phiếu HSG. Tốc độ hồi phục lợi nhuận, nỗ lực cải tổ tài chính và quản trị doanh nghiệp có thể là câu chuyện cho năm nay", nhóm phân tích VDSC nhận định và bỏ qua việc dự báo giá mục tiêu của HSG.
Phương Đông