Khoảng 18h ngày 2/5, chiếc xe cứu thương của Bệnh viện Việt Đức dừng ở thôn Hoành (xã Đồng Tâm), ông Lê Đình Kình nằm trên cáng, được người thân khiêng vào nhà trong tiếng reo hò của dân làng đứng chờ trước đó khoảng một giờ.
Ngồi ở gian chính căn nhà mái bằng gần cuối thôn, ông Kình luôn miệng tươi cười, giơ tay chào hỏi, tiếp chuyện đám đông dân làng đang chen chân trong nhà. Gia đình ông cũng kê thêm bàn ghế để tiếp khách những ngày này.
Dọc đường làng và tại khu chợ, người dân tụ tập thành từng nhóm nói chuyện ông Kình trở về, rằng họ sẽ làm cỗ mừng vào hôm sau.
"Sắc mặt ông tốt nhưng bị sút mất khoảng 3kg so với trước lúc vào viện, chân bị đau khoảng tháng nữa mới xuống giường được. Chiều nay dân làng đến chia vui cùng gia đình rất đông. Nhưng để đảm bảo sức khoẻ cho ông nên gia đình chưa dám cho nhiều người vào", ông Lê Đình Công, con trai ông Kình nói.
Chia sẻ với VnExpress, ông Kình cho biết những ngày nằm viện đều được lãnh đạo thành phố đến thăm như Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, thứ trưởng công an, giám đốc công an thành phố... Họ động viên ông nhanh chóng hồi phục sức khoẻ để tiếp tục những việc dang dở.
Cụ ông 82 tuổi đánh giá cao cuộc đối thoại của chủ tịch Nguyễn Đức Chung với người dân thôn Hoành vì "lãnh đạo thành phố dù bận nhiều việc nhưng đã về đối thoại với dân, hứa giải quyết công tâm, không thiên vị bên nào".
"Tôi đón chờ ngày 20/6 để nghe quyết định của thanh tra thành phố. Việc ông Chung hứa làm rõ đến cùng và thật công bằng cũng là quyền lợi mà nhân dân đòi hỏi. Dân nhìn vào đó mới tin tưởng được sự lãnh đạo của Đảng", ông Kình nói.
Theo một lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức, sau hơn nửa tháng phẫu thuật xương đùi, ông Lê Đình Kình hồi phục tốt. "Sẽ cần một thời gian tập luyện nữa để ông đi lại bình thường. Bệnh viện đã huy động những bác sĩ giỏi nhất phẫu thuật xương cho ông, dùng các loại thuốc, máy móc hiện đại nhất", bác sĩ này cho hay.
Ông Lê Đình Kình là một trong bốn người ở xã Đồng Tâm bị bắt hôm 15/4 để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở đồng Sênh, xã Đồng Tâm. Quá trình thực thi lệnh bắt, ông Kình chấn thương phải nhập viện. Cùng ngày, nhiều người ở thôn Hoành đã giữ 38 người, phần lớn là cảnh sát cơ động tham gia vụ bắt giữ.
Một ngày sau, quyết định tạm giữ ông Kình được huỷ bỏ vì cơ quan tố tụng cho rằng ông "đã khai báo hành vi phạm tội, nhân thân chưa có tiền án tiền sự, không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giữ".
Ngày 17/4, Công an Hà Nội thả 4 người bị bắt hôm 15/4; người dân thả 15 cảnh sát, 3 người tự giải thoát, 20 người tiếp tục bị giữ.
5 ngày sau biến cố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về huyện Mỹ Đức làm việc, nhưng đại diện người dân xã Đồng Tâm không có mặt dù được mời.
Đến 22/4, cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và người dân được tổ chức lần thứ hai, chuyển địa điểm về trụ sở xã Đồng Tâm nằm trong thôn Hoành. Tại buổi làm việc, người dân thừa nhận việc bắt giữ 38 cán bộ, cảnh sát cơ động là sai trái, mong được khoan hồng nhưng yêu cầu làm rõ lịch sử nguồn đất ở đồng Sênh, vấn đề mấu chốt trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của Đồng Tâm. Chủ tịch Hà Nội cam kết làm rõ đất tại khu vực đồng Sênh có phải đất quốc phòng; điều tra đúng sai việc bắt ông Lê Đình Kình; không truy cứu hình sự với toàn thể người dân trong sự việc ngày 15/4.
Cuộc đối thoại kết thúc với việc người dân Đồng Tâm thả tất cả cán bộ, cảnh sát bị giữ.
Diễn tiến 7 ngày biến cố ở Đồng Tâm
Theo ông Lê Đình Ba (một trong 4 bị can xã Đồng Tâm đã tại ngoại), ông Kình được người dân thôn Hoành nói riêng, người dân toàn xã Đồng Tâm nói chung kính trọng. Ông Kình có 60 năm tuổi Đảng, từng giữ các vị trí Chủ nhiệm hợp tác xã, Trưởng công an xã, Chủ tịch và Bí thư xã…
Từ năm 2013, ông Kình tham gia "Tổ đồng thuận", đại diện gửi đơn thư khắp nơi đòi quyền lợi cho dân xã Đồng Tâm. Chính vì vậy, việc ông Kình bị bắt đã khiến người dân xã Đồng Tâm mất kiểm soát.
Nhóm phóng viên