Ngày chủ nhật cuối cùng trong năm, gió mùa đông bắc tràn về miền biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) lạnh tê tái. Người già và trẻ con ngồi co ro nép mình bên bếp than hồng trong căn nhà sàn. Người Dao ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, đã nghỉ lên nương.
![Chan-tran-5158-1423896829.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/02/14/Chan-tran-5158-1423896829.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pIFJaZUbJciTErRPGRq5lQ)
Để lên đến những cột mốc mà mình nhận trách nhiệm trông coi, bảo vệ, cụ Xiết phải vượt qua nhiều km đường rừng với vô số đèo dốc. Ảnh: Lê Hoàng.
Trong căn nhà nhỏ ven bờ suối, ông Phan Định Xiết (71 tuổi) đang chuẩn bị dao quắm, đồ nghề và thứ không thể thiếu là cuốn sổ ghi chép cho chuyến ngược núi kiểm tra cột mốc theo kế hoạch đã định. Bộ đội biên phòng đồn Quang Chiểu cho biết, ông Xiết đã làm nhiệm vụ “vác tù và hàng tổng” suốt hơn 20 năm qua. Người Dao ở bản Suối Tút và bộ đội biên phòng nơi đây gọi ông bằng cái tên trìu mến “bố già cột mốc”. Mỗi lần nghe danh xưng này, ông lão lại cười phá lên sảng khoái.
Cột mốc 287 (trước đây là mốc G6) nằm trên đỉnh đồi Poom Dưới (tiếng Thái nghĩa là đồi dưới), phân định ranh giới giữa bản Suối Tút, xã Quang Chiểu với bản Suối Sạn, huyện Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Để đến được cột mốc này, phải mất non nửa ngày đi bộ, băng qua hơn 5 km đường rừng với vô số đèo cao, suối sâu.
Bắt đầu chuyến đi từ khi sương mù còn giăng mắc trên các đỉnh núi, lúc rời khỏi nhà, ông Xiết mang đôi dép cao su. Nhưng chưa vượt qua con dốc đầu bản, ông đã phải tháo dép vì con đường trơn trượt. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông cụ vẫn nhanh như con sóc. Đôi chân trần nứt nẻ phăng phăng tiến về phía trước, bỏ lại phía sau những vạt rừng với vô số gai góc, những mỏm đá tai mèo và cơ man là thác ghềnh, đèo dốc.
Đến giữa buổi sáng, ông Xiết đã vượt qua chặng đường dài. Ngồi bệt bên sườn dốc nghỉ chân khi vừa đu mình qua vách núi dựng đứng, ông Xiết tâm sự, giữ cột mốc chính là giữ biên ải quốc gia, đó là nhiệm vụ thiêng liêng mà không phải ai cũng vinh dự có được. Người được chọn phải có uy tín và có tầm ảnh hưởng trong bản người Dao này.
Lần thăm mốc này, không thấy bất thường nào xung quanh khiến ông cụ thở phào nhẹ nhõm. Theo cụ Xiết, sau khi đất nước thống nhất vào mùa xuân năm 1975, vài gia đình người Dao ở bản Pù Quăn (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát) lên Suối Tút tìm đất lập bản. Họ chọn khu vực bằng phẳng dưới thung lũng Pom Dưới, nơi gần nguồn nước để dựng nhà cửa và làm nương rẫy rồi định cư ở đây cho đến ngày nay.
Năm 1980, khi cột mốc G6 được xây dựng, một người họ hàng của ông Xiết là ông Tặng Phú Minh nhận nhiệm vụ trông coi. Khi ông Minh qua đời, phần việc này được ông Xiết tình nguyện đảm nhận.
“Trước đây, khi còn đói nghèo, người Dao chưa hiểu hết tầm quan trọng của cái mốc là gì. Có người thản nhiên ngồi lên trên hay dùng cột mốc làm nơi néo giữ gỗ khai thác trong rừng hoặc cột trâu bò”, cụ ông nói và cho hay mỗi lần đi rừng ghé qua, ông thấy rất buồn khi cột mốc bị ai đó vô ý làm sứt hoặc xâm phạm.
Mỗi lần cột mốc bị sứt mẻ, ông Xiết lại cẩn thận cất mảnh vỡ vào tay nải rồi mang về giao lại cho cán bộ biên phòng. “Dù cột mốc hư hại không hẳn là ý đồ phá hoại chủ quyền an ninh biên giới, nhưng do đây là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nên nếu không chú ý vấn đề này sẽ rất dễ gây hiểu nhầm cho lực lượng an ninh hai nước. Ở đây không gì quan trọng hơn sự đoàn kết, bố nghĩ thế nên tự nhiên muốn đi bảo vệ cái cột mốc thôi”, ông Xiết lý giải thêm.
![Dung-ao-lau-cot-moc-8371-1423896829.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/02/14/Dung-ao-lau-cot-moc-8371-1423896829.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AxCGYOEEAFcJVLebl7b1Ow)
Mỗi lần thăm mốc, ông Xiết lại cẩn thận ghi chép thông tin xung quanh. Ông còn dùng cả vạt áo lau chùi cẩn thận chữ viết trên thân mốc. Ảnh: Lê Hoàng.
Đều đặn mỗi tháng hai lần, cụ Xiết lại lên thăm mốc. Công việc trong mỗi chuyến tuần tra của cụ Xiết là phát quang cỏ dại, kiểm tra thông tin trên cây cột mốc và ghi chép những điều bất thường để về báo cáo bộ đội biên phòng.
Hành trang băng rừng của ông chỉ vỏn vẹn con dao quắm nhỏ và cơm nắm muối vừng mang ăn dọc đường. “Dù chỉ đến phát quang cỏ dại che khuất cột mốc, đắp đất những chỗ bị nước xói mòn ở chân cột rồi lại băng rừng về nhà, nhưng có đi trong rừng, leo núi, vượt đèo mới thấy để duy trì được công việc đó là cả một sự cố gắng lớn của ông Xiết”, đại úy Hoàng Văn Minh, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Quang Chiểu cho hay.
Ông Xiết bảo, gần 30 năm tình nguyện tuần tra, ông có rất nhiều kỷ niệm. Hơn chục năm trước, cây thuốc phiện được trồng khá nhiều ở vùng giáp biên này. Có lần đang tuần tra, ông Xiết phát hiện một nhóm người đang đốt rẫy trồng cây anh túc ở sườn đồi cách không xa cột mốc G6. Nếu đứng ra ngăn cản nhóm người này chắc chắn sẽ không thành công, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nên ông đã nhanh chóng xuống núi về bản rồi khẩn trương thông báo cho cán bộ biên phòng Quang Chiểu biết. Sau đó ông dẫn bộ đội lên điểm có người trồng cây thuốc phiện trái phép tuyên truyền, vận động để bà con tự phá bỏ loài cây gây hại này.
Lần khác, sau khi lên mốc, lúc trở về thì trời đổ mưa rất to. Khi cố sức nhảy qua một vách núi, do dốc trơn ông trượt rồi té ngã trật khớp chân. Dù rất đau đớn nhưng ông vẫn cố lê đôi chân sưng tấy về nhà để tránh cơn mưa rừng đang xối xả trút xuống.
“Đi rừng nhiều ta hiểu từng con suối, nếu chỉ chậm chân vài chục phút là các con sông suối sẽ trở nên hung dữ không thể băng qua, phải chờ cả đêm có khi chưa về được”, ông Xiết kể và cho hay sau lần đó, gia đình phải làm vía cầu an cho cụ.
Ông Xiết có 6 người con, ba trai, ba gái. Các con ông đều tham gia công tác xã hội rất tích cực, trong đó, người con cả Phan Văn Cáu hiện giữ chức Bí thư chi bộ bản Suối Tút; con thứ Phan Văn San làm phó bản kiêm công an viên.
Gần đây, thấy sức mình không còn khỏe để có thể vượt qua những con suối sâu và cả những đỉnh đồi dựng đứng nên mỗi lần lên thăm mốc, ông Xiết lại đưa người con thứ Phan Văn San đi theo. “Giờ ta cũng như con ngựa già, cũng sắp đến ngày mỏi gối chùn chân rồi, không thể leo núi, lội suối mãi được. Thằng San, thằng Cáu và bọn trẻ dòng họ Phan sẽ phải thay ta thôi”, ông Xiết nói với giọng quả quyết.
Ngồi bên người cha già cạnh ánh lửa bập bùng chiều cuối đông, anh Phan Văn San, con thứ hai của cụ Xiết tâm sự, vài năm gần đây, mỗi lần cha đi rừng thăm mốc, anh lại theo chân và để ý từng phần việc nhỏ nhất. “Tâm nguyện cuối đời của cha, tôi sẽ không thoái thác dù bất cứ lý do gì”, San cho hay.
![Cuoi-tuoi-voi-bo-doi-6362-1423896829.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/02/14/Cuoi-tuoi-voi-bo-doi-6362-1423896829.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mJJ1PqDx7vQhV2utNZv30w)
Cụ ông cười sảng khoái khi báo cáo cán bộ biên phòng về một năm không để xảy ra bất kỳ vụ xâm phạm, phá hoại mốc giới nào. Ảnh: Lê Hoàng.
Thiếu tá Nguyễn Văn Lương, Phó đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm (Đồn Biên phòng Quang Chiểu) cho biết, trước đây ở bản Suối Tút có duy nhất cột mốc G6, sau này mật độ mốc giới được cắm dày hơn với 4 cột (gồm 285, 286, 287 và 288). Dù số cột mốc tăng lên nhưng cụ Xiết vẫn đảm nhận trông coi tất cả.
Theo thiếu tá Lương, việc tuần tra biên giới những năm trước gặp nhiều khó khăn do địa hình rừng núi hiểm trở. Những công việc thầm lặng của "bố Xiết" là rất thiết thực, giúp bộ đội thuận lợi hơn trong việc nắm bắt thông tin về chủ quyền biên giới cũng như tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
“Việc bảo vệ đường biên, cột mốc theo gia đình, dòng họ như gia đình bố Xiết trong những năm vừa qua đã góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới. Phong trào này được các đồn biên phòng tỉnh Thanh Hóa phát động rộng rãi đến các gia đình, dòng họ nhằm giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đồng thời thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết quân dân và tình hữu nghị láng giềng giữa Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn Lào”, thiếu tá Lương nói.
Theo lãnh đạo Đồn biên phòng Quang Chiểu, ngoài cụ Xiết, trên địa bàn còn có cụ Lâu Văn Hự, ở bản Pù Đứa; cụ Lương Văn Xôi, ở bản Cang, đều có mấy chục năm tình ngyện bảo vệ đường biên. Các cụ đều là những tấm gương sáng trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.
Lê Hoàng