Ông Cao, người dân tộc Dao, ở thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ nay là TP Hạ Long. Không còn đủ sức leo rừng, nhưng hàng ngày ông vẫn đau đáu nhớ những gốc lim, sến, táu, vàng tâm mình đã trồng.
Ông Cao kể, trước đây bà con dân tộc Dao sống theo tập tục du canh du cư, các khu rừng bị cạo trọc, mất hết hệ sinh thái. Đến năm 1968, bà con không phát lương nữa và bắt đầu định cư.
Cũng năm 1968, hưởng ứng lời kêu gọi "Tết trồng cây" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Cao nghĩ đến việc trồng rừng ở những khu đất trống thuộc xã Tân Dân. Ông đi tìm các giống cây gỗ quý như lim, sến, táu... về trồng.
Những năm 1970-1980, gia đình ông trồng và giữ được khoảng 32 ha. Việc quản lý và bảo vệ gặp khó khăn vì chưa có việc giao đất giao rừng cho người dân, gia đình chưa có quyền quản lý nên khu rừng bị khai thác trộm rất nhiều.
Đến năm 1992, nhà nước giao đất và cấp sổ để bảo vệ rừng. Lúc giao đất, nhiều người không muốn nhận vì cây cối phát hết rồi, chỉ còn những khu rừng trống. "Tôi quý rừng lắm nên nhận hết và bố con tiếp tục trồng các loại cây gỗ lâu năm, trong khi nhiều người chặt rừng để trồng keo ngắn ngày", ông Cao nói.
Gần đây sức khỏe yếu, không thể chăm sóc khu rừng nên ông Cao chia lại cho 5 con trai gìn giữ. Triệu Tiến Lộc, 35 tuổi, là con trai út ở cùng bố, được chia 9 ha rừng. "Tôi sắp về với tổ tiên, đã đạt được tâm nguyện là để lại cho con cháu, cho muôn đời sau khu rừng với những cây gỗ quý hàng chục năm tuổi. Rừng là lá phổi xanh là của nhân loại chứ không của riêng ai nên tôi nhắc nhở con cháu tiếp tục trồng và bảo vệ", ông Cao bộc bạch.
Con trai út của ông Cao, anh Triệu Tiến Lộc, hiện là Trưởng ban Mặt trận thôn Bằng Anh, được cha truyền cho tình yêu với rừng. Khu rừng 32 ha của gia đình hiện có khoảng 600 cây lim tuổi đời 40-70, là giống quý nhất. "Rất nhiều thương lái vào mua gỗ lim, nhưng gia đình không bán. Đời bố tôi không bán đến đời chúng tôi cũng không vì đó là tâm huyết của bố", anh Lộc quả quyết nói.
Bên trong cánh rừng lâu năm có rất nhiều nguồn lợi để thu hoạch như cây tre, cây thuốc nam. Anh Lộc cũng đang triển khai dự án trồng cây dược liệu dưới tán lim như khôi tía, trà hoa vàng, ba kích, quế..., đều là những loại cây ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao, cũng là nguồn thu thường xuyên của gia đình. Ngoài ra, anh còn kết hợp trồng cây gỗ lâu năm như lim, sến, táu vào những khu đất trống.
"Rừng của gia đình tôi là rừng đầu nguồn, có những cây lớn giữ được đất, giữ được nước nên không lo việc sạt lở. Khi mình giữ được cánh rừng như thế này, khí hậu xung quanh rất trong lành. Mỗi buổi sáng thức dậy cảm thấy rất khỏe mạnh. Đấy chính là lợi ích khi giữ được cánh rừng", anh Lộc vui vẻ nói.
Ông Phạm Văn Sáu, Bí thư xã Tân Dân, cho biết bà con trong xã chủ yếu trồng cây dược liệu và keo. Mô hình trồng cây gỗ lớn và bảo tồn được chỉ có gia đình ông Cao. "Nhiều lãnh đạo tỉnh từng đến thăm mô hình này. Hai năm trước chúng tôi đề xuất với tỉnh xin hỗ trợ cơ chế để gia đình ông Cao cải tạo làm khu du lịch sinh thái, nhưng đến nay vẫn chưa được", ông Sáu nói.
Hiện nay, diện tích rừng của Quảng Ninh đạt trên 337.000 ha (trên 122.700 ha rừng tự nhiên, 214.800 ha rừng sản xuất) đều phát triển tốt, với hệ sinh thái động thực vật phong phú, cây đa tầng tán, đa mục đích; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,7%, đứng trong top địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước.
Trong gần 30 năm qua, 333.225 ha đã được giao cho 23.000 hộ gia đình và 59 tổ chức, tương đương gần 90% diện tích rừng toàn tỉnh có chủ, là bước tiến quan trọng đảm bảo rừng được bảo vệ.