Dáng người gầy gò, tóc bạc phơ nhưng ông Nguyễn Quang Sán, thôn Yên Nội, xã Liên Mạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hiếm khi ở nhà cùng con cháu. Ai đến nhà tìm ông, phải hẹn trước hoặc đợi cả buổi, đến giờ cơm trưa hoặc cơm chiều mới gặp được. Ông còn mải mê đi khắp đình chùa tìm chữ Hán, Nôm để dịch sang chữ Quốc ngữ.

Ông Sán (bên trái) thường đi các đình, chùa dịch chữ Hán ở hoành phi, câu đối sang chữ quốc ngữ rồi ghi lại cho người trông coi di tích biết ý nghĩa để họ có thể giải thích khi có khách tham quan hỏi đến. Ảnh: Thanh Hòa.
"Chữ trên cổng chùa, hoành phi, câu đối toàn là chữ Hán, chữ Nôm người xưa để lại. Sư sãi trong chùa có khi không biết ý nghĩa. Tôi đi dịch rồi ghi lại để họ có thể giải thích ý nghĩa của các câu đối, chữ viết cho khách tham quan", ông Sán giải thích.
Ban đầu, ông đi những đình chùa ở Bắc Từ Liêm như đình Yên Nội, đình Hoàng Xá để dịch. Sau này, ông đến nơi xa hơn như đình Cổ Loa, đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội), đền Hùng (Phú Thọ), rồi đi cả chùa Yên Tử (Quảng Ninh).
Trong các câu đối đã dịch, ông thích nhất đôi câu ở cột cửa võng chính giữa đền thờ Hai Bà Trưng: Chí khí bình Tô nhất thống sơn hà vương tỷ muội/ Uy danh thắng Hán thiên thu Nam quốc nữ anh hùng (Dịch nghĩa: Chí khí bình Tô, chị em nhất thống non sông một mối/ Uy danh thắng Hán, là nữ anh hùng Nam quốc ngàn năm). Câu đối ca ngợi sự nghiệp của Hai Bà Trưng, nói lên khí phách của người nước Nam anh hùng.
Mỗi lần dịch xong, ông thường ghi lại cả chữ Hán, chữ Nôm, bản dịch sang chữ Quốc ngữ vào những cuốn sổ, để làm kho tư liệu riêng, giờ đã được hàng chục cuốn. Biết ông giỏi dịch chữ, người dân ở các vùng lân cận còn mang gia phả đến nhờ ông dịch. Nhiều cuốn lưu truyền từ đời này sang đời khác, dày cả trăm trang, ông phải mất cả tháng mới dịch xong. "Người già thường đi ngủ sớm, nhưng ông cụ thì cứ cặm cụi đến nửa đêm, ban ngày thì đến bữa ăn mới chịu rời cuốn gia phả mà nghỉ ngơi", chị Thắng, con dâu ông, cho hay.

Ông thường ghi lại bản chữ Hán, chữ Nôm và cả bản dịch bằng chữ quốc ngữ vào những cuốn sổ tay. Ảnh: Thanh Hòa.
Nhờ ông, có gia đình ở Tây Tựu (Hà Nội) mới biết 7 đời tổ tiên đều làm quận công; nhà họ Ngô ở thôn Đại Cát (xã Liên Mạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mới biết ông tổ nhiều đời vốn sang vùng này buôn bán rồi sinh cơ lập nghiệp tại đây. Có người nhận lại gia phả và bản dịch xong, mang ra Viện Hán Nôm nhờ kiểm chứng thì được xác nhận bản dịch của ông đều đúng cả.
Dịch bia đá ở đình, dịch gia phả mất nhiều thời gian, nhưng ông không lấy tiền công, bởi quan niệm đó là công việc mình nên làm để truyền lại đạo lý hay, nhân nghĩa cho đời sau học tập. Có khi đi dịch bia đá ở đình, các cụ cho quả mít, oản xôi thì ông mang về chia cho con cháu để lấy lộc.
Đầu năm, đại gia đình ông thường tổ chức đi thắp hương ở chùa chiền. Trong khi con cháu vãn cảnh thì ông cầm giấy, bút đi ngắm nghía những chữ viết ở cổng chùa, câu đối, bia đá để dịch chữ. Còn các bô lão thôn Yên Nội thì "than thở" đi chùa với ông Sán mệt lắm. Vì có khi ông ngồi ngắm nghía chữ nghĩa, gọi mãi không chịu đi.
Việc dịch chữ không công này, ông Sán làm đã được 24 năm. Từ khi nghỉ công việc ở xã vào năm 1991, ông mới có thời gian nhàn nhã để nghiên cứu lại sách vở, chữ nghĩa khi xưa. Theo ông, dù ở tuổi nào cũng phải làm hết sức mình, không chỉ khi còn ở cương vị công tác, mà khi đã nghỉ việc cũng vậy.
"Mình không còn làm cán bộ thì làm một người già ham hoạt động cũng là điều hay. Có vậy thì con cháu nhìn vào mới học tập. Cũng may mình còn sức khỏe, lại biết chữ nên tham gia việc làng, việc nước với các cháu cho vui", ông Sán chia sẻ.
Tổ tiên nhiều đời làm thầy đồ dạy học nên ông Sán được học chữ, học lễ nghĩa từ khi tóc còn để trái đào. Sau này lớn lên, ông theo thầy đồ ở làng Cổ Nhuế, vừa học vừa bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông lại trở thành thầy ở lớp bình dân học vụ, chia chữ cho nhân dân rồi mới chuyển sang làm cán bộ xã.

Hội cao tuổi thôn Yên Nội đi vãn cảnh chùa, ông Sán cũng cầm theo bút sách, tìm chữ để dịch. Ảnh chụp lại.
Ông Nguyễn Văn Ngà, Phó chủ tịch UBND phường Liên Mạc, cho biết ông Sán được nhân dân rất tin yêu, kính trọng. Ông tham gia nhiều hoạt động, đặc biệt là việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của các di tích ở địa phương. "Gia đình ông nổi tiếng hiếu học ở vùng đất này, hai tiến sĩ hiện nay của làng Yên Nội đều là con, cháu ông", ông Ngà nói.
Hơn 10 năm cùng sinh hoạt trong hội người cao tuổi phường Liên Mạc, ông Nguyễn Văn Đa (66 tuổi) cho biết: "Ở làng Yên Nội, ít người được như cụ Sán, vừa có tài, vừa có đức mà lại khiêm tốn, ai cũng yêu mến".
Ông Đa cũng là người trông coi đền Yên Nội. Ông nhờ cụ Sán dịch hoành phi, câu đối từ trong gian chính đến ngoài khuôn viên từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ để có khách tham quan hỏi, ông có thể nói về nghĩa cho họ biết. Mỗi lần có học giả, nhà nghiên cứu văn hóa đến thăm, ông đều phải mời cụ Sán ra đền để họ gặp mặt, nói chuyện về chữ nghĩa.
Năm 2009, khi đền được tu sửa, các câu đối ở gian chính, ngoài khuôn viên, cột cổng vốn đã cũ nên được chạm khắc lại. Ông Sán được chính quyền giao viết mẫu chữ để cho thợ thủ công Sơn Đồng đúc theo. Ông cụ cũng là người viết văn tế, chỉ đạo việc tế lễ trong ngày hội đền Yên Nội vào tháng 8 Âm lịch hàng năm.
Thanh Hòa