Giữa quả đồi bạt ngàn màu xanh, nằm khuất trong xã Vật Lại, Ba Vì là ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Chu Trọng Nhung và bà Phùng Thị Thơ, 60 tuổi. Trong bộ đồ lao động, họ thoăn thoắt trẩy bưởi, hái chè. Cậu bé 18 tháng tuổi từ sân, lon ton chạy lại túm chân ông bà nội, cười khanh khách, làm đàn gà cả nghìn con đang quẩn quanh chạy dạt khắp đồi.
"Chỉ vài ngày nữa là tôi về hưu rồi. Tuổi già, quây quần bên con cháu, ăn bữa cơm toàn rau trong vườn, gà trên đồi, cá dưới ao, vừa ngọt đầu lưỡi, vừa ấm chân răng, thế là mãn nguyện", ông Nhung cười hào sảng, cọ mái tóc bạc vào tóc cháu.
Để tuổi về hưu như tâm nguyện, 19 năm qua, cái đầu và đôi tay của vợ chồng họ chưa ngày nào nghỉ ngơi.
Bà Phùng Thị Thơ vốn là bộ đội phục viên, về nhà làm hơn một mẫu ruộng. Ông Nhung là kỹ sư cầu đường, công tác tại huyện Ba Vì. Năm 1997, chính quyền kêu gọi dân địa phương nhận đất phủ xanh đồi núi trọc. Vợ chồng ông bị chê "khùng" vì nhận 12 héc ta đất đồi, chỉ toàn sỏi đá, không điện, nước, không người qua.
Lần đầu lên khai hoang, bà Thơ chọn những khoảng đất đẹp nhất trồng sắn, nhưng đất bị xói mòn, mưa cuốn trôi cả sắn. Nửa đêm vẫn phải dò dẫm với con trâu, nhưng chẳng thu được gì, bà đành bỏ không. Quay về với hơn mẫu ruộng, lòng bà canh cánh "bao giờ mới phủ xanh được đồi".
Cũng như vợ, ông Nhung đi công tác xa nhà, cuối tuần mới về, nhưng đau đáu với 12 héc ta đất hoang. Vốn thích nghề nông, ông hay đọc sách nông nghiệp để tìm giải pháp. Một lần, vị kỹ sư cầu đường đọc được cuốn sách về nông dân Nhật.
"Cuốn sách nói, trong chiến tranh thế giới 2, hai thành phố Nhật là Hiroshima và Nagasaki bị ném bom nguyên tử. Đất nhiễm xạ, nhưng dân vẫn gùi đất ở nơi khác về thay thế để trồng trọt. Tôi nghĩ 'người ta khổ thế mà vẫn làm được, sao đất mình mênh mông lại bỏ không'", ông Nhung nhớ lại.
Ông về bàn với vợ cải tạo đất đồi. Lòng đang như nắng hạn gặp mưa rào, bà Thơ đồng ý ngay.
Năm đó, họ chuyển từ căn nhà ở mặt đường lên đồi, cách đó 4 km, tối thắp đèn dầu, sáng đi xin nước về ăn. Từ mùng một đến mùng 6 Tết, ông đếm có khoảng 6 người đi ngang qua nhà mình.
Về nhà, thấy gà chưa gáy vợ đã đi làm, ông càng có động lực. Một gia đình khá giả ở địa phương thuê người đào hố, chở đất phù sa sông Hồng đến cải tạo đất đồi, ông bà định học theo. Đào được gần 300 hố, ông giật mình nhẩm tính: "nếu theo cách này, trung bình mỗi hố, mình phải chi cả chỉ vàng, sẽ phá sản" nên từ bỏ ý định.
Năm 2000, ông mời một người bạn là chuyên gia nông nghiệp lên đồi để tham khảo ý kiến. Bạn khuyên đất này chỉ trồng dứa. Vậy là hai tháng liền, cuối tuần khi được nghỉ, ông chồng ôm sách bút, đèo vợ đến nông trường dứa gần nhà học kỹ thuật. "Tôi tự nhủ, năm đầu tiên mình phải thắng. Nếu không thắng, vợ con sẽ nản, không còn động lực để cố gắng nữa", ông kể.
Hai vợ chồng làm đất, một tháng đầu, lòng bàn tay gần như mất cảm giác vì chai sạn, ngày thay áo liên tục vì đẫm mồ hôi. "Tiếng là đi học, nhưng chỉ rặt lý thuyết. Dùng cuốc, xẻng mua ở chợ, không tài nào xới được đất nhà mình. Tôi lại đi hỏi chuyên gia mới biết phải đặt dụng cụ chuyên dụng", người đàn ông lần đầu làm nông, cười nhớ lại. Cày bừa đến đâu, họ trồng dứa đến đấy.
Vì áp dụng đúng "lý thuyết", không tính đến thời tiết biến động, năm đầu trồng, lô dứa lớn ra hoa muộn vì nắng nóng, phải đổ bỏ. Phần gốc và thân dứa, họ đem đổ xuống gần 300 hố đào sẵn, tạo mùn để trồng cây ăn quả.
Năm 2002, nghe tin Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức SEA Games, ông nhẩm tính "khách quốc tế tăng, trồng dứa thu hoạch đúng vụ đông sẽ thắng lớn", nên quyết định trồng sớm 6 tháng, mở rộng diện tích.
Hai vợ chồng thuê máy cày để tăng tiến độ, nhưng có ngày lưỡi cày hỏng, xích đứt đến 3 lần, vì sỏi, đá nhiều. Đặt làm máy cày riêng cũng vẫn không "trị" nổi đồi cằn, ông quay cuồng lên kế sách.
"Không chỉ mặt tầng, đá sỏi còn nằm sâu bên dưới. Vì vậy, tôi quyết định dùng máy múc, đảo đất, úp gốc dứa xuống dưới để tạo mùn, đồng thời, nhặt bỏ sỏi đá vừa được lộn lên", ông Nhung tính toán. Máy múc đến đâu, vợ chồng, các con ông bám theo nhặt sỏi, đá đến đấy, đổ đống. Đất tơi xốp đã giúp họ trúng mùa dứa đó, làm được căn nhà gỗ 5 gian ở mặt đường.
Đá, sỏi đào lên, ông san nền làm đường. Hiện vườn đồi của gia đình ông có khoảng hơn 5 km đường bê tông, tỏa khắp các ngả. Hệ thống rãnh thoát nước, phân thủy tương đối hoàn thiện.
"Mỗi lần gặp khó khăn, ông ấy lại bảo phải học tinh thần của người Nhật. Vì vậy, chúng tôi lao động chẳng quản nắng mưa, giờ giấc. Thỉnh thoảng có các lớp tập huấn, tôi lại theo học", bà Thơ, vợ ông Nhung, nói.
Thấy họ trồng được cây trên đồi trọc, bạn bè, người quen có kinh nghiệm làm trang trại kéo đến xem. "Mỗi người là một chuyên gia. Họ tư vấn cho tôi nuôi thêm lợn ỉn, gà đồi, trâu, bò thả cá,... nên cứ sau thu hoạch, có tiền tôi lại mở rộng thêm", ông nói.
Trang trại đủ loại cây trồng, vật nuôi, có thời điểm, gia đình ông Nhung phải thuê 120 nhân công mỗi ngày chỉ để nhổ cỏ. Thấy bố mẹ làm không xuể, hai con trai cũng nghỉ làm ở thành phố, kéo về phụ giúp. Sau ba lần đảo đất, nhặt sỏi, hiện đồi trọc đã lọc được hơn 80% sỏi, đá.
"Vợ chồng ông ấy làm xanh được đồi, không chỉ bằng đầu óc, mà còn vì quá tần tảo, siêng năng. Mấy năm nay, họ vẫn đều đặn đi mua phân ở các trang trại khác, chở về đồi để cải tạo đất", ông Phùng Huy Kiên, Phó chủ tịch xã Vật Lại kể. Ông Nhung cũng được cán bộ xã nhận xét là nhạy bén, sáng tạo khi tận dụng sỏi, đá - những thứ người khác nghĩ là rác - để làm đường.
"Tôi xây dựng trang trại tổng hợp để giữ cán cân kinh tế hài hòa. Nếu chỉ tập trung một cây, một con, thắng thì thắng lớn, nhưng thua cũng thua đau", ông Nhung phân tích.
Hiện trang trại của gia đình ông có khoảng 2.500 cây bưởi, 150.000 cây dứa, 1.000 nhãn, chưa kể mít, chuối, xoài ... Mỗi tháng, ông xuất hơn 2 nghìn gà đồi, duy trì 300 con lợn rừng, cá nhảy tanh tách dưới ao, rau xanh mướt sườn đồi.
Tháng 10 vừa qua, gia đình họ nhận bằng khen nông dân tiêu biểu năm 2019. Có thời điểm, đất Ba Vì "sốt", nhiều người khuyên vợ chồng ông bán làm giàu. Nhưng ông Nhung nghĩ "giàu phải bền vững, không chỉ giàu cho mình, mà còn cho các cháu mai sau".
Phạm Nga