Ngày 16/12, bác sĩ Tống Hồ Tứ Phương, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bệnh nhi được gây mê để khâu vết thương, hiện sức khỏe ổn định.
Theo bác sĩ Phương, tai nạn như thế này thường xảy ra ở trẻ em khi vừa chơi vừa ngậm những đồ dùng cứng như đũa, ống hút, bút... "Vết thương ở nhiều vị trí như rách môi, rách lưỡi, rách niêm mạc khẩu cái (vị trí trong họng miệng), đâm thủng thành sau họng", bác sĩ chia sẻ.
Vết thương ở khẩu cái thường lành sau 7 ngày. Nếu không may vết thương rách ở thành sau họng, bệnh nhân phải ăn qua sonde thông dạ dày, nằm viện 7-10 ngày. Thành sau họng là khoang rỗng, nếu không theo dõi điều trị sát, vết thương dễ bị áp xe lan xuống trung thất rất nguy hiểm. Một số trường hợp bị đũa nhựa đâm rách họng, đến nỗi đũa gãy vụn, bác sĩ phải thám sát, xem có dị vật trong vết rách không.
Bác sĩ Phương khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ dùng ống hút bằng kim loại hoặc nhựa cứng. Khi uống nước, trẻ nên ngồi một chỗ, không đi lại, chạy nhảy. Khi trẻ gặp nạn, vết thương chảy máu nhiều, nên dùng gạc đè ép vào vết thương rồi nhanh chóng đi khám bác sĩ để đánh giá, xem xét can thiệp khâu vết thương.