Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Stephen Hawking nói đến vấn đề trợ tử.
"Giữ một ai đó sống mà họ không mong muốn là sự sỉ nhục tột độ", ông nói. "Tôi sẽ cân nhắc tới trợ tử, nhưng chỉ khi nào tôi ở trong tình trạng đau đớn nhất hoặc cảm thấy mình không còn gì để đóng góp mà chỉ là một gánh nặng cho những người xung quanh."
Những năm giữa thập niên 80, khi bị mắc chứng viêm phổi, ông đã cố gắng tự tử bằng cách nín thở nhưng không thành công vì phản xạ thở quá mạnh. Vợ cũ của ông, Jane, cũng đã từ chối tắt máy hỗ trợ sự sống cho ông.
Stephen Hawking chia sẻ rằng cả cuộc đời, ông đã sống với mối đe dọa chết sớm, vì vậy ông không muốn lãng phí thời gian của mình. Ông muốn đem thời gian đó cống hiến nhiều hơn cho nhân loại.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông hoàng vật lý cho biết còn nhiều công việc khoa học phải làm để tạo ra những lý thuyết mới và làm sáng tỏ vũ trụ. "Tôi thật đáng bị nguyền rủa nếu tôi chết trước khi tôi làm sáng tỏ hơn về vũ trụ," ông nói.
Hawking nói ông thấy tiếc khi không thể dễ dàng giao tiếp với đồng nghiệp và người hâm mộ. Có những lúc, ông cảm thấy cô đơn bởi vì nhiều người sợ nói chuyện với ông hoặc không đủ kiên nhẫn đợi ông viết câu trả lời. Ông giao tiếp thông qua một thiết bị tổng hợp tiếng nói gắn với máy tính. Mỗi khi cần nói, ông gõ chữ vào máy tính.
"Tôi muốn bơi được trở lại," Hawking nói, mong muốn được chơi đùa với các con nhiều hơn. "Khi con tôi bé, tôi đã bỏ lỡ việc chơi các trò vận động với chúng."
Stephen Hawking, 73 tuổi, hiện là giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Lý thuyết vũ trụ học, đại học Cambridge, Anh. Ông là tấm gương cho hàng triệu người trên thế giới.
Năm 21 tuổi, ông đột nhiên biết tin chỉ sống được thêm hai năm nữa và bị sốc. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục sống và đóng góp cho nền khoa học thế giới. Ông nổi tiếng vì công trình nghiên cứu về hố đen trong vũ trụ, mong muốn tìm ra một lý thuyết thống nhất để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn giữa thuyết tương đối của Albert Einstein và thuyết lượng tử.
Xuân Dũng