![Christian Louboutin năm 14 tuổi. Christian Louboutin trở thành biên tập viên khách mời chuyên mục Phong cách của tờ CNN từ tháng 2. Trong bài viết mới, ông kể lại hành trình từ cậu bé ở Đông Paris tới nhà thiết kế nổi tiếng thế giới. Ảnh: Christian Louboutin.](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2020/04/22/Christian-Louboutin1-2639-1587540833.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mcQvscyyLcTbQVkOF2Eo1w)
Christian Louboutin năm 14 tuổi. Ồng trở thành biên tập viên khách mời chuyên mục Phong cách của tờ CNN từ tháng 2. Trong bài viết chủ đề "Journeys" cuối tháng 3, ông kể lại hành trình từ cậu bé ở Đông Paris tới nhà thiết kế nổi tiếng thế giới. Ảnh: Christian Louboutin.
Cha tôi - một thợ thủ công mỹ nghệ - nói cần cảm nhận từng thớ gỗ thay vì áp đặt mong muốn lên chúng. Tôi thực lòng tin theo, lựa chọn mở rộng cơ hội với bản thân, đón nhận mọi điều cuộc sống đem tới. Trong 29 năm thiết kế giày, tôi chưa bao giờ lên kế hoạch cụ thể, mà tin rằng mỗi người đều có hành trình riêng biệt. Lời khuyên của tôi, hãy tận hưởng những chuyến phiêu lưu. Chẳng có con đường hẹp nào dẫn bạn tới đích cả.
Tôi trải nghiệm những hành trình từ ngày trẻ. Khi là một đứa bé, trí tưởng tượng cho phép vượt qua giới hạn bản thân, điều không ai có thể tước khỏi bạn.
Tôi chợt nhớ A Journey Around My Room (tạm dịch: Hành trình quanh phòng) - cuốn sách của tác giả người Pháp, Xavier de Maistre, viết năm 1790. Kẹt một chỗ sáu tuần, nhà văn thuật lại "những chuyến đi" tưởng tượng.
Tương tự, phim ảnh mở ra nhiều thế giới khác nhau. Quận 12 thủ đô Paris - nơi tôi lớn lên, có rạp chiếu phim L'Athena, gần đó thêm rạp L'Avron - thường có phim Ấn Độ, Ai Cập. Khi đáng lẽ phải tới lớp, tôi từng trốn học đến đó. Khoảng thời gian này, khi chưa say mê phim Pháp, bằng cách xem những con người, sự việc khác xa cuộc sống thường ngày, tôi đã du lịch mà không ra khỏi nhà.
Niềm cảm hứng khác suốt thời ấu thơ là Palais de la Porte Dorée - bảo tàng nghệ thuật trang nghiêm cuối phố. Tôi yêu những đàn cá sặc sỡ trong bể thủy sinh nhiệt đới dưới tầng hầm. Trên lầu từng là nơi trưng bày Musée des arts africains et océaniens (tạm dịch: Bảo tàng nghệ thuật châu Phi và châu Đại Dương), đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng trong tôi. Tôi khám phá toàn bộ tòa nhà. Đi dọc các bức bích họa lộng lẫy, tôi như băng qua bao tạo vật diệu kỳ từ châu Phi tới châu Đại Dương.
Giày dép
Tôi bắt đầu thiết kế giày từ khi còn nhỏ, thôi thúc bởi tình yêu với các vũ nữ. Họ như loài chim thiên đường kỳ lạ. Tôi đã nghĩ: "Mình có thể tặng thứ duy nhất loài chim thiếu - những đôi giày".
Nhưng việc thiết kế giày gần như phá sản trước khi bắt đầu. 23 tuổi, tôi thành cánh tay phải của bậc thầy đóng giày Roger Vivier, làm việc với ông cho triển lãm tại Musée des Arts Décoratifs (tạm dịch: Bảo tàng nghệ thuật trang trí). Ông trở thành cảm hứng của tôi. Sau đó, tôi không thể thiết kế giày bởi không muốn làm việc cho người khác. Tôi từng nghĩ hành trình đặc biệt này đã khép lại.
Ngừng thiết kế giày ở tuổi đôi mươi, tiếp tục sau gần một thập kỷ, tôi không thể nói rằng mình đã lạc lối, nhưng đã có thay đổi đáng kể trong sự nghiệp. Tôi bắt đầu theo đuổi thiết kế cảnh quan, yêu thích hoa cỏ, thiên nhiên.
Sau đó, tôi gặp một ngã rẽ bất ngờ - lần nữa thay đổi tiến trình cuộc đời. Bắt đầu bằng lần tình cờ gặp gỡ Eric Philippe - chủ một gian hàng tuyệt vời tại Galerie Véro-dodat. Tôi yêu một chiếc đèn trong cửa hàng nhưng Eric nói anh không định bán. Tôi quay lại nhiều lần, tuy nhiên anh ấy không đổi ý.
Hóa ra, đèn đã bán trước khi tôi biết. Tuy nhiên thông qua những cuộc trò chuyện và sự kiên trì của tôi, Eric đề cập tới một cửa hàng - lối đi có mái che tuyệt đẹp, ở Galerie, quận 1. Anh ấy tin đây là nơi hoàn hảo để tôi thiết kế giày trở lại.
Tôi thành lập công ty Louboutin. Chưa từng nghĩ sẽ điều hành nhãn hiệu mang tên mình, nhưng tôi tìm thấy bản thân ở đây. Cửa hàng này là nơi Louboutin ra đời.
Đôi giày đế đỏ nổi tiếng của Christian Louboutin. Video: Youtube.
Những nơi ý nghĩa
Suốt đời mình, tôi quan tâm tới nhiều nền văn hóa, văn minh, kết nối với các miền không phải mẫu quốc, những nét văn hóa và ẩm thực lạ kỳ. Công việc khiến tôi chu du khắp thế giới, đôi khi gặp phải những thay đổi ảnh hưởng tới công việc thiết kế.
Nhiều nơi giàu ý nghĩa - Ai Cập, Bồ Đào Nha, Rio và tất nhiên, Paris. Thêm cả Bhutan - nơi tôi luôn muốn đến. Nhưng quá trình xin thị thực phức tạp, tôi không thể xoay xở khi còn trẻ. Sau 10 năm, tôi cuối cùng đạt được mong ước, nhờ bạn mình - Diane von Furstenberg. Cô ấy quen biết vua và hoàng hậu Bhutan, lên kế hoạch đến thăm họ. Từ đó, tôi trở lại Bhutan gần như mỗi năm, say đắm đất nước, con người, cách sống, cách họ làm đồ thủ công và cách nhìn về tương lai.
![Bộ sưu tập giày và túi xách LouBhoutan, ra mắt đầu tháng 1, lấy cảm hứng từ kiến trúc Bhutan và sự lộng lẫy mê hoặc của dãy Himalaya, theo Harper’s Bazaar. Ảnh: Christian Louboutin.](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2020/04/22/Christian-Louboutin2-9689-1587540834.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dAKqCedWA2k9pnJx4XvZtA)
Bộ sưu tập giày và túi xách "LouBhoutan", ra mắt đầu tháng 1, "lấy cảm hứng từ kiến trúc Bhutan và sự lộng lẫy mê hoặc của dãy Himalaya", theo Harper’s Bazaar. Ảnh: Christian Louboutin.
Khoảng bảy, tám năm sau, nữ hoàng Bhutan giới thiệu tôi với nghệ nhân Viện Zorig Chusum. Trải nghiệm này mang tới khám phá mới. Có 13 môn nghệ thuật và nghề thủ công đại diện cho tinh thần, bản sắc đất nước. Không lâu sau, trong lúc muốn thiết kế đôi giày cưới cho bạn - một Phật tử, tôi nghĩ tới các thợ thủ công Bhutan. Chính từ suy nghĩ ban đầu này, chúng tôi hợp tác, tạo ra bộ sưu tập giày và túi xách mang tên LouBhoutan.
Bí mật hé lộ
Gần 10 năm trước, tôi khám phá ra bí mật lớn về cuộc đời mình. Chị gái nói rằng cha tôi không phải cha ruột. Thực tế tôi là con lai Ai Cập. Tôi rất ngạc nhiên, nhưng cũng hạnh phúc khi biết mẹ đã có một mối tình khi đang nuôi nấng gia đình và càng kính trọng cha nuôi hơn. Tôi vui mừng vì mang dòng máu phong phú hơn mình tưởng - điều này vô cùng ý nghĩa vì tôi luôn cảm thấy gắn bó với đất nước Ai Cập.
Khi chia sẻ với bạn bè thân thiết rằng bố đẻ tôi là người Ai Cập, không ai ngạc nhiên. Tôi nghĩ, sao họ có thể biết điều đó khi tôi còn chưa nhận ra. Nhưng tôi nhớ lại những tưởng tượng về Ai Cập khi bé. Thực lòng, tôi dường như đã linh cảm được trước cả khi biết sự thật. Dòng máu này, dù đáng ngạc nhiên, đã luôn chảy trong tôi.
Trở lại nơi khởi đầu giấc mơ
Khi trưởng thành, có khoảng thời gian tôi không tới thăm bảo tàng của tuổi thơ - Palais de la Porte Dorée. Không có lý do gì đặc biệt ngoài việc nó không còn là nơi dành cho tôi - cuộc sống khiến tôi đổi khác. Tôi trở lại Palais cách đây không lâu, cùng đối tác làm ăn, và một lần nữa kinh ngạc với những phù điêu phủ khắp mặt tiền và xung quanh. Được chạm khắc bởi Alfred Auguste Janniot - chúng thực sự đồ sộ - bao phủ 130 mét vuông tòa nhà.
Ngoài ra, có hai phòng triển lãm châu Á và châu Phi riêng biệt cuối tòa nhà. Tôi đưa bạn hàng đi khắp nơi, mong muốn chỉ ra những chi tiết thu hút trí tưởng tượng ngày bé - tay nắm cửa bằng răng lợn rừng, những bích họa bất hủ - phát hiện chúng thất lạc hoặc cần tu sửa. Tôi nhận ra trách nhiệm của mình, quay lại nơi quan trọng thuở nhỏ, hỗ trợ phục hồi hai phòng triển lãm tuyệt vời.
Trailer triển lãm "L'Exhibition[niste]" tại Bảo tàng Palais de la Porte Dorée từ ngày 26/2 - 26/7. Video: Youtube.
Giờ đây tôi háo hức muốn nhiều người biết, nên quyết định đặt triển lãm L'Exhibition[niste] tại đây. Tọa lạc ở Đông Paris, không nhiều khách tham quan như những bảo tàng trung tâm thành phố, song tôi mong muốn đem nhiều vị khách mới tới, khám phá và tận hưởng tòa nhà như tôi thuở bé.
Khi trưng bày những tác phẩm tại bảo tàng, tôi chọn những vật gợi lại quá trình mình sáng tạo. Chúng có vẻ tạp nham - chim, vũ công, Marilyn Monroe, điện ảnh, thể thao, kính màu, video nghệ thuật, nhiếp ảnh, máy móc, đồ điêu khắc, tác phẩm gốm sứ nổi tiếng, thánh giá, vương miện - nhưng có sợi dây liên kết chúng. Đôi khi bạn không nhận ra cảm hứng đến từ đâu, những mảnh ghép dường như rời rạc. Nhưng có kết nối xuyên suốt, kể cả khi chúng chỉ rõ ràng trong tương lai. Đó đại khái là cách tôi nhìn đời mình. Tôi khích lệ mọi người hãy cởi mở và đón nhận những bất ngờ.
Bảo Thư (theo CNN)