Sáng 28/11, TAND quận Ba Đình mở phiên xử ông Hiệp, 75 tuổi, về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Vụ án xảy ra năm 2018, tòa từng 5 lần có quyết định xét xử nhưng đều phải hoãn vì: trả hồ sơ, bị cáo xin chưa mở vì lý do sức khỏe, hồ sơ đóng dấu "mật"... Lần gần nhất, ngày 28/10, vắng mặt nhiều bị hại, bị cáo và luật sư yêu cầu triệu tập thêm một số nhân chứng và các giám định viên tài sản.
Sáng nay, các giám định viên tài sản vắng mặt. Cả ba luật sư của ông Hiệp đề nghị tòa hoãn xử vì cho rằng các kết luận về thiệt hại vụ án rất quan trọng trong việc quyết định khung hình phạt của thân chủ.
Đại diện VSKND nói những người vắng mặt đã có lời khai trong hồ sơ, đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc. Tòa đồng quan điểm.
Cáo trạng công bố tại tòa thể hiện, ông Hiệp có dãy nhà trọ cho thuê gần Bệnh viện Nhi Trung ương, quận Ba Đình. Trong quá trình kinh doanh, ông tự ý cơi nới bằng khung sắt, vách gỗ dán, tôn xốp.
Hệ thống điện trong nhà không đồng bộ, các phòng trọ không có thiết bị phòng cháy hoặc bố trí lối thoát hiểm nên ông từng bị xử phạt vào tháng 4/2018.
Chiều 17/9/2018, mạch điện bị chập tại tầng hai nhà ông Hiệp gây cháy dãy phòng trọ khiến đôi vợ chồng quê Phú Thọ tử vong. Ngọn lửa lan sang các nhà bên cạnh gây thiệt hại 1,9 tỷ đồng; làm ảnh hưởng khoảng 30 hộ dân khác.
5 tháng trước đó, ngày 3/4/1018, khu nhà trọ của ông Hiệp bị Đoàn thanh tra liên ngành của phường Ngọc Khánh kết luận không đủ điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy, do đó yêu cầu dừng kinh doanh nhà trọ và bổ sung phương án và phương tiện.
Bị cáo và các bị hại cùng không đồng ý với cáo trạng. Ông Hiệp cho rằng không vi phạm quy định chữa cháy dẫn đến thiệt hại. Còn các bị hại nói thiệt hại về tài sản lớn hơn nhiều.
Trong lời khai sáng nay, ông Hiệp cho hay, sau khi bị Đoàn thanh tra liên ngành của phường Ngọc Khánh kết luận không đủ điều kiện an toàn PCCC, đã thay dây dẫn điện và mua thêm một số bình phòng cháy mini, song vẫn tiếp tục cho thuê trọ.
Ông Hiệp khai có 5 dãy nhà trọ cho thuê ở ngách tập thể cơ khí C70, đường Đê La Thành, sát Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi xảy ra cháy, ông đang ở chỗ khác. Trước cáo buộc "nguyên nhân cháy do chập mạch điện từ phòng tầng hai nhà của nhà ông Hiệp", bị cáo phản bác, cho rằng lửa xuất phát từ hai nhà bên cạnh. Khu phòng trọ của ông không phải nơi cháy đầu tiên.
Thừa nhận hệ thống điện tự lắp không đảm bảo "có một phần lỗi" của mình, song bị cáo cho rằng đội kiểm tra liên ngành "gà mờ, chỉ kiểm tra lấy lệ, không có chuyên môn".
Chủ tọa nhắc nhở nếu nghi ngờ chuyên môn đoàn kiểm tra, ông phải "có kiến nghị, chứ không phải là không làm theo".
Trong phần thẩm vấn, hai trong ba luật sư của ông Hiệp từ chối tham gia xét hỏi do các tài liệu liên quan vụ án chưa được cơ quan điều tra giải mật. Cả ba luật sư tiếp tục đề nghị HĐXX giải mật các tài liệu này để đảm bảo quyền lợi cho thân chủ.
Chủ tọa giải thích, tòa không phải đơn vị đóng dấu mật hồ sơ. Theo đúng chức trách nhiệm vụ, tòa đã chuyển công văn đề nghị giải đóng dấu mật tới cơ quan điều tra nhưng chưa có công văn giải mật. Nếu có ý kiến khác, luật sư và bị cáo có quyền kháng cáo và gửi các kiến nghị bằng văn bản.
Có mặt tại tòa, phần lớn các bị hại cho rằng vụ việc xảy ra đã lâu, tài sản sản đã mất, họ không quan trọng chuyện đền bù tuyệt đối, do bị cáo đã cao tuổi, song họ phản đối thái độ của ông Hiệp. "Ông nên hiểu ra cái sai của mình chứ đừng mãi cãi ngang, phải thành khẩn hơn, sai thì phải nhận, phải tôn trong pháp luật", các bị hại nêu quan điểm.
Ông Hiệp được biết đến với biệt danh Hiệp "Khùng" khi mở khu phòng trọ với giá 15.000 đồng. Những người thuê trọ ở nhà ông Hiệp phần lớn ở tỉnh xa, có con bị bệnh hiểm nghèo, kinh tế khó khăn.
Ngoài tên Nguyễn Thế Hiệp, bị cáo còn có 9 tên khác, gồm: Nguyễn Tiến Hiệp, Nguyễn Đăng Chính, Đỗ Văn Huân, Vũ Văn Hùng, Nguyễn Văn Hân, Hoàng Nghĩa Dũng, Vũ Quốc Hợi, Vũ Quốc Hội, Vũ Văn Tài.
Hải Thư