Sáng 23/4, ngày thứ tư của phiên tòa phúc thẩm, ông Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch ngân hàng TMCP Đại Dương – Oceanbank) tiếp tục khẳng định sẽ không kháng cáo mức hình phạt 19 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999.
Nêu lý do, ông Thắm cho hay từng xin cấp sơ thẩm nếu có đủ căn cứ quy kết phạm tội này thì ông "xin nhận tội thay" cho cấp dưới. Thứ hai, ông "chỉ có một hành vi mà bị tuyên tới ba tội", trong khi tình tiết giảm nhẹ "chỉ có một". Vì thế, ông muốn dành sự khoan hồng đó (nếu được hưởng) cho các "anh em trong Oceanbank".
Tại phiên tòa này, ông chỉ muốn tập trung trình bày về hai tội danh cho rằng "bị oan" là Tham ô tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chứ không phải là tội Cố ý làm trái.
VKS sau đó giải thích tại phiên phúc thẩm ông có quyền kháng cáo, thay đổi kháng cáo, cho đến khi nói lời sau cùng vẫn có quyền kháng cáo. Cơ quan tố tụng, đặc biệt là VKS sẽ xem xét toàn bản án không chỉ với ông mà cả những bị cáo không kháng cáo để xem có oan sai không.
Nghe VKS giải thích, ông Thắm vẫn quyết không kháng cáo về tội cố ý làm trái. Dù luật sư hỏi lại nhiều lần, cho rằng mức án 19 năm tù về tội này là quá cao, chỉ dành cho người có nhiều tình tiết tăng nặng trong khi ông không như vậy, nhưng ông Thắm vẫn không thay đổi ý định.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Thắm bị tuyên hình phạt tù chung thân cho bốn tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản (điều 165, 179, 280, 278 Bộ luật Hình sự 1999). Ông phải bồi thường dân sự hơn 840 tỷ đồng.
Theo bản án sơ thẩm, ông Thắm là người đề ra chủ trương, chỉ đạo thực hiện việc chi lãi ngoài ở Oceanbank gây thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng cho ngân hàng. Ông còn cho vay 500 tỷ đồng khi không đủ điều kiện dẫn tới việc khách hàng sử dụng vốn không đúng mục đích.
Ở hành vi lạm dụng và tham ô, ông Thắm bị kết luận giúp sức cho cựu tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt 49 tỷ đồng của PVN và 197 tỷ đồng của Oceanbank, công ty BSC.
Tại phiên phúc thẩm, ông Thắm kháng cáo xin HĐXX tuyên không phạm hai tội Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ cùng trách nhiệm bồi thường dân sự.
Cựu tổng giám đốc Oceanbank: Tôi bị kết án tử thì cần gì gian dối
Sau phần xét hỏi ông Hà Văn Thắm, HĐXX thẩm vấn cựu tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn - người bị kết án tử hình tại phiên sơ thẩm về ba tội danh. Chủ tọa phiên tòa cho biết ông Sơn kháng cáo với nội dung ngắn gọn chứ "không dài dòng như Hà Văn Thắm".
Ông Sơn kháng cáo kêu oan, cho rằng không phạm các tội Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản vì mình không phải người có chức vụ quyền hạn nên không thể thực hiện những hành vi này. Mặt khác, ông đã khai lại cụ thể đơn vị, tổ chức, cá nhân đã nhận lãi suất tiền gửi ngoài hợp đồng nên không thể quy kết ông chiếm đoạt số tiền này.
Đến phiên tỏa hôm nay, ông Sơn vẫn giữ nguyên các nội dung trên. Cũng như ông Thắm, ông Sơn thừa nhận hành vi cố ý làm trái.
Ông Sơn trình bày, từ năm 2000 cho tới khi bị bắt vào năm 2015 đã trải qua nhiều chức vụ từ lãnh đạo công ty Tài chính Dầu khí, trưởng ban trù bị ngân hàng Hồng Việt (ngân hàng thành lập hụt của ngành dầu khí), Tổng giám đốc Oceanbank, Phó tổng giám đốc PVN, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN.
Ông khẳng định không chiếm đoạt 69 tỷ đồng của công ty BSC cũng như 197 tỷ đồng của Oceanbank như cáo buộc vì việc nhận và chi có mục đích rõ ràng.
“Có căn cứ nào để nói những khoản tiền này để đưa tới tay khách hàng?”, thẩm phán hỏi. Ông Sơn nói: Giải thích bằng chứng pháp lý thì khó nhưng qua một dẫn chứng là cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh thừa nhận có nhận tiền thì cho thấy điều ông nói là đúng.
“HĐXX đồng ý bị cáo không chiếm đoạt toàn bộ, ít nhất có ông Quỳnh nhận 20 tỷ. Việc chiếm đoạt tính từ lúc nhận tiền chứ không thể ông cứ khai đưa cho ai thì trừ cho người đó”, chủ tọa phiên tòa phân tích.
“HĐXX cảm nhận bị cáo trình bày mâu thuẫn. Bị cáo rất sợ rằng mình nói lấy tiền ngân hàng mà chỉ muốn 'nói lấy tiền của Hà Văn Thắm'. Nhưng bị cáo lại thừa nhận tội Cố ý làm trái. Nếu lấy tiền của Hà Văn Thắm thì sao có hành vi cố ý làm trái?”, chủ tọa Ngô Hồng Phúc lập luận.
“Bị cáo xem ra hơi quanh co, không biết có thể hiện gì không? Bị cáo có đủ bản lĩnh liệt kê ra hết các khoản tiền chi để chứng minh cho Hà Văn Thắm rằng: Anh tin tưởng tôi hoàn toàn đúng không?”, chủ tọa bất ngờ nói. Ông Sơn khẳng định hoàn toàn có thể chứng minh.
"Bị cáo thấy mình oan quá. Đã lĩnh án tử hình thì bị cáo xác định không việc gì phải khai gian dối cả", ông Sơn trình bày.
Chủ tọa phân tích với ông Sơn rằng "không việc gì phải bi quan", ít nhất là bị cáo còn có quyền kháng cáo, có ân giảm, đặc xá.
Chốt lại phần hỏi ông Sơn, chủ tọa nói: Nếu bây giờ để thể hiện tích cực khắc phục hậu quả thì bị cáo làm thế nào? Ông Sơn nói xin dùng tài sản kê biên hoặc tài sản cá nhân bán đi để khắc phục hậu quả, song trừ ngôi nhà gia đình đang ở do vợ và gia đình mua.