Ông giáo Trần Văn Tiếp ở xã Tân Quy Đông (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) năm nay ngoài 60, có gần 40 năm "chìm nổi" cùng các loại hoa. Sống ở TP HCM một thời gian, ông Tiếp theo gia đình về Sa Đéc, cưới vợ, trồng thêm hoa vì yêu thích và cũng để tăng thu nhập. Bảng hiệu vườn hoa Giáo Tiếp nhắc nhớ về nghiệp dạy học một thời ông gắn bó. Ông là người đầu tiên nghĩ cách đưa hoa Sa Đéc khai phá các thị trường dù phương tiện đi lại những năm đầu sau đổi mới rất khó khăn.
Những năm 70, ông Tiếp trồng 300 cây hạnh, 100 cây hồng, cùng hàng xóm thuê ghe đi hết 5 ngày lên bến Bạch Đằng TP HCM, bán ở chợ hoa Nguyễn Huệ. Vợ ông kể: “Ổng mê hoa lắm, mỗi lần đi dạy về, bỏ cặp sách là gánh hai thùng nước đi tưới cây và mất ăn mất ngủ mong chờ hoa nở”. Năm đầu, ghe hoa của thầy giáo Tiếp bán được, có lời. Được vài năm thì chợ hoa Nguyễn Huệ dừng hoạt động.
Ông Tiếp bảo: "Làm cái nghề trồng hoa, nuôi kiểng, nếu không có đam mê thì không theo được. Nó như cái nghiệp vận vào người, ngày nào không làm thấy nhung nhớ kỳ lạ". Mỗi năm đến tháng 7, tháng 8 là lòng ông nôn nao chờ ngày trồng hoa Tết, đầu ráo riết suy nghĩ giống hoa gì cho mới lạ. Nửa đêm tỉnh giấc uống trà, ông mong cho trời sáng để ra vườn thăm cây cỏ. Bao năm theo những chuyến hoa Tết, ông toàn đón giao thừa nơi đất khách, không ở bên cạnh gia đình những ngày đất trời chuyển giao sang năm mới.
Ông nhớ như in cái Tết năm 1987 khi ông trở thành người thợ hát rong bất đắc dĩ ở Đà Nẵng để kiếm tiền mua vé tàu về quê nhà. Trước đó, năm 1986 ông trồng 8.000 chậu cúc zinnia, giống hoa Mỹ nhưng gặp thời tiết lạnh, cúc không nở phải nhổ bỏ. Năm sau, ông quyết định đầu tư 10.000 chậu cúc nhằm gỡ gạc chút đỉnh, không ngờ thị trường tràn ngập hoa, thương lái không thấy đâu. Ông lấy hết số vốn là 4 lượng vàng và cùng người làm thuê xe chở 4.000 chậu cúc zinnia đi bán ở Đà Nẵng. Không may, đến nơi gặp thời tiết lạnh, mưa phùn nên hoa cúc bị thối, cánh hoa bạc màu. Ông Tiếp đành bỏ luôn, ai muốn lấy bao nhiêu hoa cứ bỏ tiền vào giỏ bên cạnh, thậm chí ông cho không. Đến 29 Tết, ông giải phóng hết số hoa và trả mặt bằng, đếm được số tiền bán được khoảng 280.000 đồng, chỉ đủ mua chiếc vé tàu.
Ông Tiếp mê ca hát và từng học một năm nhạc trước khi học sư phạm nên nảy ra ý định hát rong để kiếm chút tiền mua vé về nhà. Ông cầm số tiền ít ỏi vào tiệm sách mua một cây đàn giá 85.000 đồng rồi về một huyện ngoại thành Đà Nẵng hát phục vụ bà con. Giọng hát miền Nam mới lạ cất lên giữa một tỉnh miền Trung giữa cái se lạnh ngày cuối năm khiến khán giả thích thú ủng hộ. Ba ngày Tết, ông Tiếp lại ra công viên hát rong, đặt nón để mong mọi người ủng hộ. Mồng 4 Tết ông mới bắt chuyến tàu về với gia đình. Ông bảo thời đó thông tin liên lạc đâu thuận lợi như bây giờ, lại không một đồng dính túi mà lại lang thang đất khách, cái Tết bơ vơ xứ lạ vẫn ám ảnh ông đến giờ.
Ai cũng nghĩ là ông sẽ bỏ hoa, vậy mà ăn Tết xong, ông lại tìm nguồn giống, cấy ghép hoa hồng. Những giống hồng quý từ Pháp được một người bạn đem về được ông nghiên cứu lai tạo thành những mẫu hoa màu sắc quý phái, sang trọng. Ông quyết định mở màn khai thác thị trường Hà Nội, chuyến đầu tiên chuyển 2.000 chậu hồng, đi 7 ngày đêm thì đến thủ đô, tốn hết 15 lượng vàng tiền vận chuyển. Đến nơi hoa hồng bị rụng hết bông còn trơ cành, may mà người Hà Nội chuộng hoa hồng, mua cành về làm giống. Nhận thấy thị trường tiềm năng, ông thuê mặt bằng ở Gia Lâm và chở hoa Sa Đéc ra bán. Làm ăn có mối quen, ông bán nợ với số lượng lớn, đến năm thứ 7 thì công nợ lên đến tiền tỷ. Con nợ bặt tin, chủ nợ đòi xiết nhà ở Sa Đéc, ông bán 4.000 m2 đất nhà trả nợ.
Tất cả những lần phá sản, thất bại không làm ông từ bỏ tình yêu với hoa Sa Đéc. Cái khó và cũng là đòi hỏi sống còn của người trồng hoa, theo ông là luôn tìm kiếm giống hoa mới lạ, giá rẻ để đáp ứng nhu cầu và tăng sức cạnh tranh với hoa các thị trường Đông Nam Á, Trung Quốc. Mùa tết năm 2013, ông thử sức với cây hương thảo, một loại cây lá kim mùi thơm dịu dễ chịu khi chạm tay vào, vuốt nhẹ. Tết năm 2014 ông đã bán được 4.000 chậu và dự định mở rộng loại cây này.
Trong ánh chiều nhập nhoạng, ông vừa bóc vỏ thân cây hương thảo, tỉ mỉ cách uốn thân, tỉa cành. Ở người đàn ông tuổi ngoài 60 này vẫn ánh lên tình yêu mãnh liệt dành cho hoa kiểng và mảnh đất Sa Đéc.
Ông Tiếp hướng dẫn chiết nhánh cây hương thảo:
Khánh Ly