Trong sự nghiệp làm ông già Noel, không ít lần anh Bùi Đình Nội (32 tuổi, Hà Nội) gặp những yêu cầu khó của trẻ khiến anh tắc. "Đối với trẻ nhỏ, ông già Noel là đấng toàn năng. Nghĩa là cái gì ông ấy cũng phải biết", anh chia sẻ.
Có lần buộc phải dùng tiếng "Pháp" nhái, anh bị những cô cậu bé thông minh phát hiện sự bất thường. Nhanh trí, ông già Noel bảo rằng "Ở Việt Nam có nhiều dân tộc, nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ở Pháp cũng vậy, nên giọng này hơi lạ!". Phụ huynh cũng hùa theo phụ họa cho ông già Noel, đứa trẻ gãi đầu công nhận, anh Nội cố nhịn cười.
''Không chỉ yêu cầu nói tiếng Pháp, nhiều em nhỏ còn yêu cầu tiếng Iran, Iraq... Tất cả tôi đều dùng tiếng Mường để kể lại câu chuyện Âu Cơ và Lạc Long Quân. Không thể nào nói bừa một ngôn ngữ linh tinh, nên tôi nói tiếng đồng bào cho có vần có điệu", anh Nội vui vẻ nói.
Ông già Noel thì phải biết kể chuyện, phải biết chơi đàn và nhiều khả năng khác để trẻ con tin rằng ông có năng lực đặc biệt. Vô số yêu cầu của khách hàng buộc các ông già Noel trong nhóm của Nội phải chuẩn bị kỹ nhiều tháng trước khi đi phát quà. Đặc biệt, họ phải giắt lưng một vài thứ tiếng thông dụng để chào hỏi hay hát tặng trẻ như tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Hàn...
Có lần bị tụi trẻ hỏi "Tuần lộc của ông đâu rồi?", Nội vội đáp "Ông biến tuần lộc thành xe máy đi cho nó tiện".
Với những yêu cầu khó nhằn như "Ông già noel có biết chơi DJ không?", anh Nội phải gọi cho trưởng nhóm Tuấn để được đưa ra hướng giải quyết mà không làm mất lòng tin từ trẻ.
Theo Tuấn (trưởng nhóm dịch vụ ông già Noel tại Hoàng Mai, Hà Nội), rắc rối hay gặp nhất là quần áo của Santa thường chất lượng kém, kích cỡ quá lớn, nên các nhân viên thường phải độn để to lớn hơn. Thông thường, họ sẽ gấp áo khoác đang mặc và nhét vào bụng mỗi khi đến nơi phát quà, để đỡ tốn thời gian.
Cũng chính vì độn quá nhiều, nên trang phục của những ông già Noel cưỡi xe máy rất hay bị rách.
"Có hôm vừa ngồi lên xe là rách luôn bộ đồ mới. Nhiều em bé phát hiện ra làm không ít ông già Noel ngượng chín mặt. Bên cạnh đó, quần áo chỉ cần giặt là vứt bỏ, không có chuyện tái sử dụng, do vậy, chúng tôi tốn rất nhiều chi phí cho trang phục", Tuấn kể.
Những trường hợp ngỗ nghịch như giật râu, giật nón không xảy ra nhiều, nhưng tình huống các bạn nhỏ sợ ông già Noel đến khóc thét lại xảy ra thường xuyên. Đội ngũ phát quà phải nắm kỹ "nghiệp vụ" để xử lý nhanh chóng - ngay lập tức cởi mũ, bỏ râu để đứa trẻ kịp hoàn hồn. Hoặc họ phải nhờ bà già Noel dỗ trẻ.
"Có lần tôi được phụ huynh đề nghị làm sao để con của chị ấy bỏ tật tè dầm. Tôi buồn cười vì lời yêu cầu khó nhằn, nhưng cũng tới khuyên nhủ cho bé. Vài tháng sau phụ huynh gọi đến báo là bé đã biết tự giác đi vệ sinh, khiến tôi rất mừng", bà già noel Nguyễn Thị Nga (26 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Ngoài các ông già, bà già Noel, người nhận đơn hàng như chị Thúy mới là trái tim và bộ não của đội ngũ phát quà. Vị trí này đòi hỏi sự nhanh nhạy cao, sắp xếp làm sao để không có trẻ bị sót, và nhất là thời gian phải chính xác.
"Nhiều người yêu cầu phát quà đúng 9 giờ tối, vì sau đó con họ phải đi ngủ sớm. Điều đó tưởng dễ nhưng lại là một khó khăn rất lớn khi đêm 24-25/12 đường phố rất đông", Phan Thanh Thúy (27 tuổi) cho biết.
Không chỉ phát quà cho các bé, ông già Noel Việt còn là chuyên gia gỡ rối cho các đôi đang yêu. Có lần anh Tuấn nhận được cuộc gọi "cầu cứu" từ một bạn nam, nói rằng người yêu đòi chia tay. Nhận được tin, Tuấn đã lập "đội phản ứng nhanh" gồm 6 người, nắm thông tin của họ, rồi chờ tặng quà cho cô gái. Một ông già Noel gảy đàn, ông khác nhảy múa, những ông còn lại đồng thanh hát. Dù không được kết quả như mong muốn, nhưng họ vẫn luôn duy trì dịch vụ này.
Trọng Nghĩa