Ông Tư sửa xe đạp gây quỹ giúp người nghèo. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Hơn 10 năm qua, dù nắng hay mưa, ở góc đường khu cư xá Tân Cảng, quận Bình Thạnh, TP HCM, ông Tư vẫn cặm cụi bơm, sửa xe lấy tiền giúp bà con nghèo.
Ông Đào Văn Tư, 73 tuổi ở quận Bình Thạnh nhiều lần có mặt trong những đội quân tình nguyện khắc phục hậu quả bão lũ giúp bà con miền Trung, Cần Giờ...
Ông Tư đã tự đến Thành đoàn TP HCM đăng ký tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh. Ban đầu được phân công tại mặt trận thành phố, chiến sĩ Tư nói: “Các cậu bố trí cho tôi đi nơi xa nhất để giúp bà con nghèo”.
Năm ngoái ông khoác ba lô cùng sinh viên ĐH Mở lên tận Đắc Nông. Đặt chân đến buôn làng, ông phát hiện nguồn nước các hộ dân dù được lấy lên từ giếng nhưng vẫn có mùi tanh; nhiều giếng trong buôn đều không xây thành nên nước thải có thể chảy ngược xuống giếng. Ông đề xuất công trình xây giếng. Giếng của ông thiết kế vừa có thành đặt cần quay, vừa có sàn rửa tiện lợi cho bà con. Gần một tháng chiến dịch, ông cùng các chiến sĩ đã xây được bảy giếng.
Mùa hè xanh năm nay, ông lại có mặt trong đoàn quân của Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP HCM về tuốt miệt Giồng Riềng (Kiên Giang) để cùng xây cầu, đắp đường cho bà con. Hành trang ông mang theo còn có bốn chiếc xe đạp do ông tự lắp ráp để tặng học sinh nghèo và thùng tiền đựng số tiền công sửa xe của ông trong hơn hai tháng ròng rã. Khui thùng tiền, gom lại được hơn 2,4 triệu đồng làm chi phí khoan giếng.
Năm 1994 về hưu, năm 1995 ông Tư sắm sửa đồ nghề ra đầu ngõ sửa xe đạp. Hơn 10 năm trời, dù nắng hay mưa, ở góc đường khu cư xá Tân Cảng, quận Bình Thạnh, TP HCM có một ông lão tóc muối tiêu ngày ngày cặm cụi bơm, sửa xe.
Chỗ ông ngồi bao giờ cũng có một thùng nhỏ với dòng chữ: "Sửa xe ủng hộ người nghèo". Tiền sửa xe ông đều bỏ vào thùng. Ông tâm sự: “Mình còn sức sửa xe, một ngày kiếm được dăm ba ký gạo là đã giúp được một gia đình chống chọi với cái đói”.
Trong căn nhà tập thể tuềnh toàng, ông trầm ngâm: “Tôi đã từng sống trong cảnh khổ mới hiểu cái nghèo”. Rồi ông kể chuyện đời mình, sinh ra trong gia đình khá giả nhưng ông đã phải mưu sinh bán kem, lạc rang... trên đường phố Hà Nội nhiều năm. Đấy là quãng đời khi ông bỏ làng ra đi lúc mới chín tuổi vì mẹ mất, bố ông bị Tây bắt đi tù, hai anh trai đi thoát ly tham gia cách mạng. Năm 1954, thủ đô giải phóng, ông Tư vào làm tạp vụ ở ĐH Nông nghiệp.
Từng nếm trải những thăng trầm cuộc đời, ông Tư muốn chia sẻ những vất vả với người nghèo. Và mỗi lần thùng đựng tiền công sửa xe của ông được khoảng hai, ba triệu ông lại đạp xe đến những nơi còn khó khăn để chia sẻ với người nghèo.
(Theo Tuổi Trẻ)