Phiên họp thường niên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sáng 26/4 trở nên căng thẳng khi hàng loạt cổ đông chất vấn ban lãnh đạo về việc không chia cổ tức suốt 4 năm qua.
"Chúng tôi phải cầm cự và chịu đựng rất nhiều để chờ Sacombank trở lại thời huy hoàng. Ngân hàng phải san sẻ với chúng tôi bằng việc giảm thưởng cho cán bộ nhân viên từ 20% phần vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế xuống còn 10%, chi thù lao cho Hội đồng quản trị từ 2% lợi nhuận trước thuế xuống còn 1% để dành tiền chia cổ tức", một cổ đông đề nghị.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh cho biết ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên chịu nhiều ràng buộc, không thể tự quyết định việc chia cổ tức dù tổng lợi nhuận giữ lại trong hai năm gần nhất đạt gần 2.800 tỷ đồng.
"Sacombank là ngân hàng tái cơ cấu duy nhất có lãi nên nhiều lần gửi văn bản xin Ngân hàng Nhà nước chia cổ tức, dù ít dù nhiều, nhưng vẫn chưa được với lý do cần tập trung thực hiện theo đề án. Tôi hứa sẽ vận động và thuyết phục cơ quan quản lý đến cùng, bởi tôi cũng là cổ đông lớn nhất tại đây. Nếu được chia cổ tức thì tôi phải là người vui nhất", ông Minh nói.
Người đứng đầu Sacombank cho biết, thành công lớn mà ông và nhân viên làm được từ khi điều hành là lấy lại vị trí trước đây. Ngân hàng nhờ đó có thể giảm lãi suất huy động và tăng lãi suất cho vay để cải thiện biên lợi nhuận, nhưng so với các nhà băng khác thì lương thưởng bình quân của người lao động vẫn thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, trước đây HĐQT có 11 người nhưng nay giảm còn 7 người, khối lượng công việc tăng lên và mức độ cũng phức tạp hơn.
"Đây là những lý do tôi không thể nuốt lời, giảm kế hoạch thưởng cho nhân viên để dành lợi nhuận chia cổ tức", ông Minh cho hay.
Trong tờ trình đại hội đồng cổ đông, ban lãnh đạo Sacombank cũng thừa nhận sau hai năm triển khai phương án tái cơ cấu sau sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, việc không chia cổ tức do tập trung xử lý tồn đọng tài chính đã gây tâm lý không hài lòng đối với phần lớn cổ đông. Bên cạnh đó, giá trị tài sản không sinh lời vẫn còn rất lớn và quá trình thu hồi, xử lý tài sản thế chấp phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thị trường bất động sản.
Bù lại, nhà băng này ghi nhận một số tín hiệu tích cực như tăng trưởng huy động và cho vay bình quân mỗi năm lần lượt đạt 10,6% và 13,7%. Chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu vào cuối năm ngoái tăng mạnh lên 7,03%.
Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 18% so với thực hiện năm ngoái. Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng lần lượt 14% và 16%. Tổng tài sản đến cuối năm 2019 tối thiểu đạt 455.500 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm trước.
Phương Đông