- Nhật Bản nhận nhiều chỉ trích với lối đá thực dụng, nhất là việc chỉ kiểm soát bóng 23% ở trận đấu với Ả-rập Xê-út ở vòng 1/8. Ông nghĩ sao về điều này?
- Mỗi HLV có một triết lý riêng. HLV hiện tại Hajime Moriyasu là HLV đội U23 Nhật Bản chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020, trước khi được bổ nhiệm vào vị trí trợ lý HLV cho đội tuyển Nhật Bản dự World Cup 2018. Sau khi Akira Nishino ra đi, Moriyasu tiếp quản chiếc ghế HLV đội tuyển tham dự Asian Cup 2019. Những động thái này chứng tỏ, Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) rất tin tưởng vào khả năng của Moriyasu.
Những gì Moriyasu đã làm cùng đội tuyển Nhật Bản cho thấy, họ là một đội bóng đẳng cấp. Việt Nam đang phấn đấu vào top 8 châu lục, còn Nhật Bản đã ngự trị trong top 4 từ rất lâu. Với dàn cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài, cộng thêm cái uy của một nền bóng đá phát triển, Nhật Bản luôn có nhiều cách để giành chiến thắng. Theo quan sát của tôi, Moriyasu có xu hướng chọn những cách tiếp cận đỡ tốn sức nhất mà vẫn thu được hiệu quả. Những trận thắng của Nhật Bản luôn cho người hâm mộ cảm giác vừa đủ, với cách biệt chỉ một bàn suốt từ đầu giải. Để tiến sâu, thậm chí vô địch một giải đấu, đội bóng nào cũng phải biết cách che giấu thực lực và chọn thời điểm bung ra đúng lúc.
Việc chỉ trích một đội cầm bóng ít, tôi e là đã lỗi thời. Nhật Bản ở Asian Cup năm nay làm tôi nhớ tới Pháp ở World Cup 2018. Ở chung kết, Pháp chỉ giữ bóng khoảng 40%, nhưng thắng Croatia 4-2. Kiểm soát bóng nhiều không quan trọng bằng kiểm soát được thế trận. Chuyền bóng nhiều chưa chắc hay bằng chuyền được những đường nguy hiểm. Khi xem xét trên góc độ ấy, sẽ thấy Pháp ở World Cup và Nhật Bản bây giờ đáng sợ như thế nào. Họ gần như không để đối thủ tiếp cận khung thành. Ở trận gặp Ả-rập Xê-út, Nhật Bản kiểm soát bóng và dứt điểm ít hơn, nhưng lại sút trúng đích nhiều hơn và thậm chí ghi bàn ngay ở cơ hội nguy hiểm đầu tiên. Nhật Bản nhỉnh hơn đa số các đội ở châu Á hiện nay ở kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Đá thực dụng, ăn bàn dựa trên tình huống vừa là cách chứng tỏ đẳng cấp, vừa là lựa chọn để họ phát huy lợi thế của mình.
- Ông dự đoán thế nào về cách tiếp cận của họ, trước Việt Nam bị đánh giá yếu hơn?
- Trận đấu ở vòng 1/8 là trận thứ tư của Nhật Bản ở Asian Cup. Họ chỉ còn ba trận nữa, nếu vào chung kết. Những gì cần thử nghiệm, tôi nghĩ ông Moriyasu đã làm cả rồi. Nhật Bản là một trong số ít các đội cho toàn bộ 20 cầu thủ (không tính thủ môn) có ít nhất một lần đá chính ở Asian Cup 2019. Do có ít thời gian tập trung, họ vừa đá vừa điều chỉnh, sao cho phù hợp nhất với đối thủ sẽ gặp. Việt Nam, trên lý thuyết là yếu hơn, nhưng cần nhớ đây là tứ kết. Nhật Bản sẽ không dại gì đi thử nghiệm ở nơi mà một sai lầm, dù nhỏ nhất, cũng có thể phải trả giá. HLV Moriyasu cũng tuyên bố trước trận rằng họ muốn đoạt Cup. Việt Nam cần sẵn tư tưởng tập trung để đối phó với một Nhật Bản mạnh mẽ nhất.
- Nhật Bản rất thực dụng và sẽ đá hết khả năng. Vậy Việt Nam nên chú ý điều gì trước một đối thủ như vậy?
- Về tỷ số, chúng ta không được phép thua sớm. Tấm gương Ả-rập Xê-út là quá rõ. Về cách chơi, Việt Nam vẫn nên duy trì lối đá quen thuộc là phòng ngự phản công, bởi chúng ta cũng không còn lựa chọn khả quan nào khác. Về tâm lý, Ban huấn luyện cần phát huy tối đa sức mạnh tinh thần cho mỗi cầu thủ. Rõ ràng, lọt vào tứ kết Asian Cup đã là một thành công lớn. Việt Nam cần thoải mái như chẳng có gì để mất khi gặp Nhật Bản, dù tỷ số là bao nhiêu. Nếu giữ được trạng thái tâm lý tốt, chúng ta có thể vượt ngưỡng khả năng.
Nhật Bản trong top 4, Việt Nam ở top 8, và cuộc đọ sức giữa hai đội tạm gọi là hàng đầu châu lục cần một màn trình diễn tương xứng. Cầu thủ Việt Nam cần kiên nhẫn và hiểu rằng Nhật Bản không thể ép sân suốt 90 phút. Họ sẽ có những khoảng nghỉ. Vấn đề là chúng ta sẽ tràn lên như thế nào, chiếm lĩnh khoảng trống ra sao, và liệu có tạo ra cơ hội ăn bàn đúng lúc ấy hay không.
- Ông đánh giá như nào về cơ hội đi tiếp của Việt Nam?
- Nhật Bản rất mạnh nhưng nếu xét riêng về mặt tổ chức lối chơi, độ nhuần nhuyễn trong cách vận hành và sự ăn ý giữa các cầu thủ, Việt Nam ở thế một chín một mười với đối thủ. Hàng công của Nhật Bản cũng bị xáo trộn khi tiền đạo chủ lực Yuya Osako mới bình phục chấn thương, còn người đá thay Yoshinori Muto không có phong độ tốt. Ở hàng thủ, họ có trung vệ Takehiro Tomiyasu mới 20 tuổi và khá ham tấn công. Tóm lại, họ vẫn tồn tại những điểm chưa tốt mà Việt Nam có thể khai thác.
Vài ngày qua, nhiều người cũng hỏi tôi về lối chơi của Nhật Bản so với Hàn Quốc, đội từng thắng Việt Nam ở Asiad 2018. Theo tôi, hai đội bóng này theo đuổi những trường phái khác hẳn nhau, kể từ thập niên 1990. Trong khi Hàn Quốc đá thể lực, thiên về kỷ luật như những đội châu Âu, thì Nhật Bản lại chơi kỹ thuật, phối hợp nhỏ, mang hình bóng Brazil. Dù vậy, tôi nghĩ Nhật Bản sẽ "học" Hàn Quốc khi đá Việt Nam. Họ sẽ pressing rát, ngay từ phần sân chúng ta, và không cho cầu thủ Việt Nam giữ bóng nhiều.
Việt Nam cần giữ được tỷ số hòa, hoặc thua một bàn trong khoảng 70 phút đầu, trước khi tìm cơ hội trong khoảng 20 phút cuối trận. Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng Việt Nam cần phát huy một cách tốt nhất yếu tố tâm lý. Chúng ta gần như không có sức ép, còn Nhật Bản ở thế buộc phải thắng. Khi có cơ hội, Việt Nam cần táo bạo tấn công giống như trận gặp Jordan.
- Theo ông đánh giá, kịch bản đá luân lưu liệu có lặp lại với Việt Nam?
- Dưới góc độ người hâm mộ, tôi rất hy vọng vào điều này. Kéo được Nhật Bản vào đá luân lưu là chúng ta sẽ lợi về tâm lý. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chúng ta bỏ lỡ những cơ hội xuất hiện trong thời gian thi đấu. Việt Nam cần là chính mình và đứng vững, trước khi nghĩ tới những điều xa hơn.
Thắng Nguyễn