Ngay sau khi cất cánh từ Jakarta ngày 29/10, chiếc máy bay Boeing 737 MAX của Lion Air đạt độ cao 640 m trước khi giảm xuống 450 m, theo dữ liệu được thu thập bởi trang web hàng không Flightradar24. Máy bay sau đó lại lên độ cao trong khoảng 1.380-1.630 m trước khi rơi xuống biển.
Theo NYTimes, đường bay thay đổi thất thường này khiến các chuyên gia hàng không nghi ngờ có vấn đề với ống pitot, được đặt tên theo người sáng chế là kỹ sư người Pháp Henri Pitot vào thế kỷ 18. Thiết bị này được gắn ở cánh hoặc thân máy bay để xác định độ cao và tốc độ - yếu tố quan trọng trong việc điều khiển máy bay: Nếu bay quá chậm phi cơ có thể "chết sững" còn nếu bay quá nhanh, phi cơ có thể vỡ ra, theo chuyên gia hàng không Indonesia Gerry Soejatman.
Trục trặc ống pitot được cho là một phần nguyên nhân chuyến bay Air France 447 rơi trên Đại Tây Dương năm 2009. Các nhà điều tra nói rằng một đầu của ống pitot bị đóng băng đã dẫn đến việc đo tốc độ sai, khiến tổ bay điều khiển không chính xác.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo vẫn còn quá sớm để xác định nguyên nhân vụ rơi máy bay Indonesia. Giới chức cần tìm được hộp đen của máy bay để đưa ra kết luận.
Chuyến bay JT 610 của hãng hàng không Lion Air đâm xuống biển với 189 hành khách không lâu sau khi cất cánh từ Jakarta, thủ đô Indonesia. Nhiều người chú ý đến việc chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 mới được đưa vào hoạt động từ hồi giữa tháng 8. Đây là tai nạn nghiêm trọng đầu tiên liên quan đến mẫu máy bay này.