Đại hội đã quyết định Ban chấp hành khóa tới sẽ chỉ có 10 thành viên, mà không bầu thêm cho đủ số 15 như dự định. Ngay sau đó, Ban chấp hành mới đã có phiên họp đầu tiên. Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm cũng được mời dự.
![]() |
Các đại biểu tại Đại hội. |
Trong khi đại diện của lãnh đạo Nhà nước và phần lớn Đoàn chủ tịch "đi vắng", Đại hội quyết định nghỉ giải lao, bởi các diễn giả đều muốn tham luận của mình được các vị "quyền cao chức trọng" lắng nghe. Sau giờ nghỉ, các đại biểu đã lên trình bày một số vấn đề như văn hóa âm nhạc, thực trạng nền phê bình âm nhạc VN, những sai sót trong giáo trình đào tạo âm nhạc phổ thông... Đặc biệt, ông Đinh Quang Hợp, nguyên giảng viên Nhạc viện Hà Nội, đã thẳng thắn "phê" cả bản báo cáo tổng kết của Ban chấp hành nhiệm kỳ VI: "Phần phương hướng thì chung chung, lặp lại nguyên xi các văn kiện đã có. Theo tôi, điều đó cho thấy sáng tạo trong lãnh đạo là kém". Theo ông Hợp, các nhạc sĩ phải đề ra cho mình "3 tự": Tự lập dự án riêng cho mình trong 5 năm; Tự suy nghĩ để sáng tác được những tác phẩm có chất lượng; Tự lo kinh phí, đừng trông chờ, ỷ lại hoàn toàn vào sự giúp đỡ của Hội.
Nhạc sĩ Tăng Minh Thành thì bức xúc trước việc các phương tiện thông tin làm rùm beng chuyện nhạc sĩ Phạm Duy về nước, chuyện ông ký độc quyền khai thác tác phẩm âm nhạc với Trung tâm Văn hóa Phương Nam. "Khi một người như Phạm Duy trở về, chúng ta giang rộng vòng tay chào đón. Thế nhưng, như thế không có nghĩa là khuếch đại mọi chuyện lên. Thực tế, trong số các nhạc sĩ chúng ta đây có bao nhiêu con người vĩ đại, cống hiến cả cuộc đời mình cho nền âm nhạc nước nhà. Đó là chưa kể những người không thể có mặt như nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Hoàng Việt...", ông nói.
Thay mặt Ban chấp hành khóa VII, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân hứa sẽ tiếp thu chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng thời ghi nhận những ý kiến đóng góp của anh chị em hội viên vào dự thảo điều lệ cũng như công tác điều hành hội. Trao đổi với giới báo chí ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch, nhạc sĩ nói: "Ban chấp hành mới đã xác định có 3 việc lớn phải làm. Thứ nhất là động viên các nhạc sĩ hội viên sáng tạo nhiều hơn nữa, để có nhiều tác phẩm được vang lên trong công chúng. Thứ hai là chúng tôi hướng tới di sản văn hóa của các thế hệ đi trước, làm sao khôi phục được chân dung của các nhạc sĩ đã có công trong hai cuộc kháng chiến. Việc thứ ba, cũng là trọng tâm, là chú ý gắn liền hoạt động của Hội với đời sống âm nhạc đất nước. Đặc biệt phải hướng tới giới trẻ, lực lượng sáng tác trẻ như tiềm năng phát triển của Hội, đồng thời hướng tới công chúng nghe nhạc hiện nay".
Ông Đỗ Hồng Quân hy vọng với quyết tâm "nhập cuộc" đó, sẽ có những tác phẩm âm nhạc tốt, hay và có giá trị ra đời, nhằm đáp ứng yêu cầu của một loại hình nghệ thuật có sức phổ biến rộng rãi bậc nhất trong quần chúng.
Ý Phương
Ảnh: Anh Tuấn