Sáng nay, ông Đinh La Thăng cùng Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM thăm công trình xây dựng Bệnh viện Nhi đồng mới, kiểm tra tình hình khám chữa bệnh tại Bệnh viện quận Bình Tân, Trạm y tế phường Bình Hưng Hòa A, khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình thành phố.
Bệnh viện Nhi đồng TP HCM với 1.000 giường bệnh khởi công xây dựng từ năm 2014, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Theo Bí thư thành ủy, ban quản lý cùng công ty tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công... cần nhanh chóng rà soát lại toàn bộ tiến độ, kế hoạch đến cuối tháng 6 hoàn thành phần thô. Ông cho rằng tình hình triển khai đấu thầu và nhập khẩu trang thiết bị như hiện nay là quá chậm và phải kiểm tra liên tục để đôn đốc nhanh nhất có thể.
"Tiến độ công trình tuy tương đối nhanh so với các nơi khác nhưng cần phải nghĩ đến cảnh 4-5 cháu một giường bệnh để thấy là còn quá chậm. Chỉ còn vài tháng nữa phải hoàn thành, chưa kể những khó khăn khi mùa mưa tới", ông Thăng nhấn mạnh.
Bệnh nhân quá tải nhiều năm liền, cơ sở vật chất xuống cấp tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM, nhiều khó khăn được lãnh đạo bệnh viện chia sẻ cùng ông Đinh La Thăng. Theo chỉ đạo từ trước của thành phố, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn sẽ được cải tạo lại để nhận 100 giường chấn thương chỉnh hình thông thường và 50 giường cột sống song do thiếu vốn khoảng 50 tỷ đồng nên vẫn chưa triển khai được. Hiện nơi vệ tinh là Bệnh viện An Bình cũng chưa xin được kinh phí để làm thêm phòng mổ. Trước mắt Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tăng cường mạng lưới vệ tinh, chuyển giao cán bộ, kỹ thuật về các bệnh viện vệ tinh dưới tuyến tỉnh để giảm ùn ứ tuyến trên.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, TP HCM đang ưu tiên hàng đầu cho 3 bệnh viện là Nhi đồng, Ung bướu và Chấn thương chỉnh hình. Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình rất chật hẹp, chủ trương mở rộng từ lâu nhưng gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên ngành y tế đã chuyển sang tập trung đầu tư khu chấn thương chình hình tại Bệnh viện Quân y 175. Công trình quy mô 500 giường được khởi công xây dựng vào năm 2015.
Vấn đề nổi cộm đặt ra là nguồn vốn. Bí thư chỉ đạo: "Vướng cái gì thì phải gỡ ngay cái đấy. Cần kết hợp ngân sách nhà nước và xã hội hóa để làm ngay vì nhu cầu người bệnh".
Để giảm quá tải, bên cạnh xây mới bệnh viện, triển khai mạng lưới vệ tinh, tăng chất lượng tuyến dưới, cải cách quy trình khám chữa bệnh..., bí thư Đinh La Thăng quan tâm đến sự đóng góp của các bệnh viện tư, mô hình hợp tác công tư. Tại khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri La, đại diện đơn vị này đã trình bày những khó khăn trong việc quy hoạch, chính sách hỗ trợ vay vốn...
Khu y tế gồm 6 bệnh viện với 1.750 giường bệnh. Hiện chỉ mới Bệnh viện Quốc tế City hoạt động được 2 năm nhưng mỗi tháng phải bù lỗ khoảng một triệu USD. Nơi đây mong muốn được lãnh đạo thành phố tạo điều kiện, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để duy trì bệnh viện đầu tiên và hoàn thành các dự án còn lại đúng tiến độ
Bộ Y tế đã có chính sách tạo điều kiện cho các bác sĩ bệnh viện công lập ra ngoài bệnh viện tư làm việc. Mô hình hợp tác công - tư, chuyển giao cán bộ, kỹ thuật giữa hai khối ngành y tế được khuyến khích tăng cường. Tuy nhiên, trong khi các bệnh viện nhà nước quá tải thì bệnh viện tư với cơ sở vật chất khang trang lại vắng vẻ, không sử dụng hết năng suất. Bài toán cần tháo gỡ là người bệnh ít tiền thì vào điều trị khu vực công, người có tiền thì ra nước ngoài để chữa trị.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Y tế, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh việc cần xem xét lại giá cả điều trị ở bệnh viện tư nhân. Nên biến bệnh viện tư thành cơ sở 2 của những bệnh viện công lớn, có uy tín để tạo được thương hiệu cũng như giúp người dân an tâm với chất lượng điều trị.
Lê Phương