Chiều 12/8, nói chuyện tại hội nghị chuẩn bị năm học mới của ngành giáo dục TP HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng thẳng thắn cho rằng thực tại của ngành vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém.
Trong đó, nổi lên là vấn đề dạy thêm học thêm, thiếu cơ sở và giáo viên được đào tạo theo chuẩn cho việc chăm sóc trẻ em ở tuổi mầm non, chương trình dạy kiến thức còn tạo áp lực lên học sinh và các bậc phụ huynh. Ngoài ra, nhiều trường có hiện tượng quá tải học sinh trong một lớp học, bạo lực học đường còn xảy ra ở khắp nơi.
Bí thư Thành ủy TP HCM chỉ đạo ngành giáo dục thành phố phải giảm tải nhanh giáo dục phổ thông, không quá nặng về khối lượng hay thiên về kiến thức chuyên môn mà cần phát triển một cách toàn diện văn - thể - mỹ.
"Ngành giáo dục cần tận dụng mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng, mở rộng mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tăng thêm quyền tự chủ về tài chính, nhân sự cho các trường tiên tiến", ông Thăng yêu cầu.
Đặt vấn đề hàng trăm nghìn người có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trên cả nước đang không được tuyển dụng hoặc làm việc không đúng ngành nghề đào tạo, Bí thư Thành uỷ TP HCM trăn trở: "Đây là vấn đề cấp bách của xã hội khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nghiêm túc. Nó chứng tỏ rất nhiều sản phẩm của giáo dục đào tạo đang nằm ngoài nhu cầu và mối quan tâm của xã hội. Điều này gây lãng phí lớn và làm mất cân đối nguồn cung ứng nhân lực cho sự phát triển, tạo ra áp lực không nhỏ về an sinh".
Ông Thăng đặt ra yêu cầu ngành giáo dục phải để sản phẩm của mình lập tức trở thành nguồn đầu vào cao cấp, từ đó tạo ra những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao khác.
"Muốn như vậy, chúng ta phải lắng nghe xã hội, doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng, chứ không phải dựa vào vị thế đặc biệt của mình để tìm cách áp đặt họ", người đứng đầu Thành ủy TP HCM nói trước hàng trăm cán bộ giáo dục, giáo viên thành phố.
Ông Thăng khẳng định, mỗi bước phát triển của thành phố đều gắn với trách nhiệm và danh dự của chính quyền và người dân. Giáo dục tham gia chủ yếu và mang tính quyết định cho sự thành công hay thất bại đó. Ông cho rằng, mọi người dân đều phải có trách nhiệm để nâng cao chất lượng của giáo dục, như chăm lo cho chính tương lai của mình.
Lãnh đạo TP HCM cũng ý thức rõ vai trò của giáo dục mà một minh chứng là ngân sách cho lĩnh vực này đang tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên, 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố.
Mạnh Tùng