Báo cáo tài chính của Sacombank cho thấy sẽ dùng gần 80 triệu cổ phiếu STB thuộc sở hữu cha con nguyên chủ tịch Đặng Văn Thành để trừ vào khoản vay 1.600 tỷ đồng. Ông Thành cho biết bản chất của việc làm này không phải là "xiết nợ".
Ông Đặng Văn Thành cho biết đã chủ động giao lại số cổ phiếu để cấn trừ vào số nợ 1.600 tỷ của gia đình. Ảnh: STB |
Thời gian qua, để giảm dư nợ về dưới 25% vốn tự có của Sacombank theo khuyến cáo của cơ quan thanh tra, ông và các thành viên trong gia đình đã nỗ lực, trong đó có việc giao lại toàn bộ số cổ phần cho ngân hàng (chiếm 7,435% vốn của Sacombank) để giảm số dư nợ 1.600 tỷ đồng, cho dù "các khoản này đều là nợ tốt, trong hạn, có tài sản đảm bảo".
Một trong những lý do của việc chủ động cấn trừ khoản nợ nêu trên, theo ông Thành, cũng là để bảo vệ quyền lợi của cổ đông. Bởi, nếu các khoản dư nợ này bị coi là vượt giới hạn tỷ lệ cho vay được phép của Ngân hàng đối với nhóm khách hàng có liên quan. Theo quan điểm của cơ quan thanh tra, số nợ sẽ bị xếp vào diện tín dụng không hợp lệ, từ đó có thể dẫn đến tình trạng phải trích lập dự phòng, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận trong năm của Sacombank.
Vị cựu chủ tịch này cho biết, đến kỳ Đại hội cổ đông sắp tới, ông sẽ chấm dứt vai trò thành viên HĐQT tại Sacombank, kết thúc 20 năm xây dựng, gắn bó với ngân hàng. Cũng theo ông Đặng Văn Thành, trong suốt quá trình thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, ông đã nhiều lần giải trình với thanh tra để họ hiểu về cách thức mà mảng quản trị rủi ro của Sacombank (dưới thời ban điều hành cũ) đã xây dựng để quản lý tổng dư nợ của các khách hàng và nhóm khách hàng có liên quan.
Tại bất kỳ thời điểm nào, Sacombank cũng đảm bảo tuân thủ các giới hạn theo quy định (cho vay 1 khách hàng không quá 15% vốn tự có của ngân hàng, cho vay khách hàng và người có liên quan không vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng). Điều này được xác nhận bởi các cơ quan kiểm toán thanh tra trong các năm trước đây.
Tuy nhiên, ông Thành cho biết, vẫn tôn trọng ý kiến của cơ quan thanh tra khi xác định tổng dư nợ của nhóm khách hàng có liên quan đến khách hàng Thành Thành Công. "Dù đây là kết quả có sự khác biệt tương đối lớn so với kết quả theo cách hoạch định rủi ro của chúng tôi", ông Thành trần tình.
Trước đó, trao đổi với VnExpress.net, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, thực ra, tại thời điểm cuối năm 2012, các khoản đầu tư trái phiếu, vay nợ liên quan đến các công ty con của ông Đặng Văn Thành và gia đình lên tới 4.000-5.000 tỷ đồng và đều trong hạn. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại, nhà băng nhận thấy trong số tiền trên có khoảng 1.600 tỷ đồng không hợp lệ khi xét trên khía cạnh điều kiện tài sản đảm bảo, thẩm định, quyết định và kiểm tra việc sử dụng vốn vay ... Trong báo cáo tài chính riêng năm 2012, được PwC kiểm toán, Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã CK: STB) cho biết đã ký thỏa thuận (được phân loại vào tài sản xiết nợ) với ông Đặng Văn Thành - nguyên Chủ tịch HĐQT và con trai là ông Đặng Hồng Anh vào ngày 5/12/2012. Cụ thể, Sacombank đồng ý sử dụng trên 7,4% vốn (tương đương khoảng 80 triệu cổ phiếu STB) do cha con ông Đặng Văn Thành sở hữu để cấn trừ vào các khoản cho vay, đầu tư trái phiếu và khoản phải thu khác với tổng giá trị thỏa thuận gần 1.600 tỷ đồng. Các khoản cấn trừ này bao gồm, gần 172 tỷ đồng từ công ty Tín Việt; trên 678 tỷ đồng tại Sacomreal; hơn 329 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Sacomreal; 18 tỷ đồng cho vay Thành Thành Công; khoảng 192 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Thành Thành Công; hơn 148 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu công ty Đặng Huỳnh; gần 59 tỷ đồng cho vay công ty Thành Ngọc. |
Theo ĐTCK