Cứ mỗi lần ông vớt được một mớ rác lên bờ là dòng nước đen như nhớt lại sôi sục lên rồi nhẹ nhàng xuôi chảy qua chiếc cống vừa được khơi thông. "Đó thấy thích chưa, nước lại chảy được rồi", cụ Phạm Văn Tân nói, dáng người gầy, làn da cháy nắng, đôi mắt tuổi già ánh lên niềm vui giản dị lúc làm việc.
* Clip ông lão cần mẫn vớt rác |
Cả đời sống tại khu vực được mệnh danh "phố ổ chuột" của TP HCM này, hễ nghe ai nhắc về cái thời hoàng kim của những dòng kênh trong xanh tại Sài Gòn là ông già được bà con gọi thân mật là cụ Bảy, lại hãnh diện kể: "Hồi đó con kênh nào cũng sạch sẽ, tụi tôi còn nhảy xuống đây tắm và giặt giũ quần áo nữa. Ở chỗ này ghe thuyền bán đồ ăn thức uống còn vào tận nơi, cảnh mua bán nhộn nhịp như ngày hội. Còn trên bờ người ta trồng rau xanh lấy nước kênh mát rượi để tưới... Ấy vậy mà bây giờ ai đi ngang đây cũng phải lấy tay bịt mũi vì không chịu nổi mùi hôi thối".
Ông cụ hơn 30 năm cần mẫn vớt rác bằng chiếc gậy tre tự chế. Ảnh: Ngoan Ngoan. |
Suốt 32 năm qua, ngày nào ông Bảy Tân cũng thức dậy từ 4h sáng để dọn dẹp và đốt rác trên dòng kênh Cầu Mé, giáp vách với công viên nước Đầm Sen, phường 3, quận 11, TP HCM. Dưới dòng kênh này có hàng trăm loại rác, từ bọc nilon, ghế gỗ, ống tiêm, có hôm gặp phải chiếc nệm lớn người ta vứt xuống, ông cụ phải huy động thêm mấy thanh niên đến giúp mới kéo được chúng lên bờ.
Cảm kích trước tấm lòng hết mình vì cộng đồng của ông Tân, ngày 9/9, đại diện Tập đoàn C.T Group đã trao cho ông giải thưởng "Trái tim Sài Gòn", kèm số tiền trị giá 60 triệu đồng. Giải thưởng này nằm trong hoạt động nhằm động viên, khuyến khích các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực vào việc gìn giữ và bảo vệ môi trường xanh cho cộng đồng của công ty. Nhóm "Vì thành phố sạch đẹp" cũng được thành lập nhằm kêu gọi sự tham gia chung tay bảo vệ môi trường tất cả người dân, đặc biệt là giới nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên trong thành phố. |
Ông cho biết, rác vớt lên bờ vài ngày cho khô rồi mới đốt được, mà cần phải đốt vào sáng sớm khi mọi người còn đang ngủ vì mùi hôi thối bốc lên sẽ khiến họ khó chịu. Còn nói đến bản thân mình, ông cụ chỉ cười hiền: "Ừm mùi hôi thiệt, nhưng làm riết rồi cũng quen". Đốt rác xong, ông hốt tro bỏ vào thùng nhựa để trồng ớt, rau bạc hà, mướp...dọc hai bên bờ kênh để bà con ai có nhu cầu thì đến hái về nấu ăn.
Ở vào cái tuổi "thất thập cổ lai hy", sáng nào ông Bảy cũng đạp xe đến cửa hàng hàn tiện, mua sắt vụn về bán cho đại lý để hưởng giá chênh lệch, thu nhập trung bình từ 30.000 đến 40.000 đồng một ngày. Còn lại toàn bộ thời gian trong ngày, ông chuyên tâm cho việc vớt rác tình nguyện chỉ vì mục đích làm đẹp môi trường sống và hy vọng làm sống lại dòng kênh đang ngấp ngoải.
Bà Nguyễn Thị Đẹp, vợ của ông Bảy cho biết, ban đầu gia đình phản đối không cho ông làm việc này vì sợ mùi hôi thối sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên trước quyết tâm của ông và thấy việc làm này có ích cho cộng đồng, nên gia đình lại quay sang ủng hộ hết mình để ông toàn tâm lo cho công việc xã hội.
Vườn rau của ông Bảy được trồng từ tro đốt rác đựng trong chiếc thùng nhựa vớt dưới kênh. Ảnh: Ngoan Ngoan. |
Nghĩa cử cao đẹp của ông cụ 70 tuổi đã khiến mọi người xung quanh cảm kích. Từ đó nhiều gia đình bảo nhau ý thức giữ gìn môi trường và không xả rác tùy tiện xuống dòng kênh.
Bà Huỳnh Thị Lành, sống ở khu Cầu Mé hơn 20 năm qua cho biết, cứ mỗi lần mưa to hay triều cường là y như rằng cả trăm ngôi nhà ở đây bị ngập trong nước kênh đen vì cống bị nghẹt rác không thoát được. Tuy nhiên từ khi ông Bảy làm việc này mà tình trạng ngập úng mới bớt dần đi.
Bà Lành nói với VnExpress.net: "Mỗi lần đi chợ ngang qua đây thấy ông cụ đang cặm cụi vớt rác, tôi hay đứng lại cám ơn tấm lòng cao cả của ông. Cũng nhờ đó mà người dân ở đây có ý thức giữ gìn môi trường hơn". Tuy nhiên theo quan sát của bà, do đây là vùng thấp nên rác từ khắp các tỉnh thành chảy về ngày càng nhiều nên một mình ông Bảy đôi khi vớt không xuể, rất cần sự chung tay của chính quyền và người dân.
Mặc dù nghe nhiều người "gà" là việc làm của mình chỉ như muối bỏ biển, bởi số lượng rác thải theo thủy triều mang về con kênh này ngày càng nhiều, song cụ Bảy không một chút nản lòng. Ông cụ bảo: "Tôi sẽ tiếp tục vớt rác cho đến khi không còn sức nữa mới thôi. Chỉ cần mỗi người một ý thức không đổ thêm rác ra kênh rạch thì sẽ có ngày chúng lại trong xanh".
Ông cụ cười hiền hòa bên đứa cháu ngoại. Ảnh: Ngoan Ngoan. |
Hiện tại ước muốn lớn nhất của ông Bảy là có một thùng rác đặt ở đầu con kênh Cầu Mé để mọi người có chỗ bỏ rác sẽ không vứt bừa bãi xuống kênh. Ông Bảy đã trình bày ý kiến này với UBND phường, Chủ tịch phường 3 đã hứa sẽ cho xe vệ sinh xuống chở các loại rác không thể đốt được đang còn chất đống trên bờ, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện. "Chắc tôi phải bỏ vài trăm nghìn ra thuê xe chở chứ đợi hoài cũng mệt", ông cụ chép miệng thở dài.
Hơn 8 năm trước, cũng tại nơi đây khi chứng kiến cảnh mùa mưa nước ngập, nhiều người bị rơi xuống kênh khi đi trên chiếc cầu gỗ, ông Bảy Tân đã xin với chính quyền hỗ trợ xây cầu mới nhưng chờ mãi không thấy. Cuối cùng một mình ông cặm cụi mua xi măng, sắt, đá về xây nên chiếc cầu mới trị giá hơn một triệu đồng cho mọi người đi vững vàng. Ông còn tự tay lấp các ổ gà trên đường và lắp điện sáng cho khu vực này để bà con đi lại được an toàn hơn.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Đình Khánh, Phó chủ tịch UBND phường 3, quận 11, cho biết, việc làm của ông Bảy rất thiết thực trong việc cải thiện môi trường và từ đó kêu gọi cộng đồng ý thức bảo vệ dòng kênh Cầu Mé. Tuy nhiên việc làm này xuất phát từ ý chí của cá nhân nên phường chỉ tạo điều kiện về tinh thần chứ chưa có giúp đỡ gì về vật chất.
Trước mong muốn của ông Bảy Tân về việc bố trí xe chở rác và chiếc thùng đặt ở khu vực này, ông Khánh cho biết xe tải lớn không thể vào khu vực này được nên phường đang liên hệ dùng xe tải nhỏ. Hơn nữa lãnh đạo phường cũng lo lắng việc đặt một chiếc thùng rác ở bên bờ kênh mà không có người quản lý, có nguy cơ lại biến khu vực này thành một bãi rác khác.
Theo ông Khánh, toàn bộ "khu ổ chuột" xung quanh kênh Cầu Mé nằm trong khu vực giải tỏa để xây dựng hệ thống cầu trên kênh và dự án chung cư, trường học... Theo đó các hộ dân ở đây sẽ được sắp xếp tái định cư ở nơi khác. Dự án này đang trong giai đoạn thu thập hồ sơ chứng cứ và bồi thường.
Ngoan Ngoan