Raymond Kroc - ông chủ Tập đoàn McDonal's. (nndb.com) |
Cái tên McDonald’s do Raymond Kroc xây dựng là một trong những thương hiệu đắt giá nhất của ngành công nghiệp ăn uống thế giới. Với hơn 31.000 cửa hàng, McDonald’s hiện có mặt tại 121 nước trên thế giới. Đó là chưa kể hàng loạt nhà hàng ăn nhanh khác được ông mua lại nhưng không đổi tên mà vẫn giữ tên cũ như “Partner-Brands” ở Mỹ hay “Prêt à Manger” ở Anh.
Năm 2005, doanh số bán hàng của cả tập đoàn là 20,5 tỷ USD, trong đó lợi nhuận là 2,6 tỷ USD. Mỗi ngày tập đoàn phục vụ 46 triệu khách hàng với hơn 50 triệu cái bánh kẹp thịt kiểu Hamburger. Trong khi những cái bánh của McDonald’s là món ăn nhanh rẻ tiền, tiện lợi ở Mỹ và các nước Tây Âu thì ở rất nhiều nước khác, bánh mỳ Hamburger của McDonald’s được coi như là một đặc sản gì đó mà họ mới chỉ biết đến qua các phương tiện truyền thông. Đã có giai thoại rằng khi McDonald’s mở cửa hàng đầu tiên ở Nga hay Trung Quốc thì những ngày đầu tiên số người xếp hàng dài tới hàng chục, thậm chí hàng trăm mét.
Bất ngờ xuất hiện ý tưởng vĩ đại
Raymond Kroc có tên đầy đủ là Raymond Albert Kroc, ông sinh năm 1902 tại Oak, bang Illinois, Mỹ. Học xong lớp 10, Ray Kroc làm lái xe cứu thương. Với chút khiếu âm nhạc bẩm sinh, ông chơi đàn piano tại các nhà hàng, câu lạc bộ. Năm 20 tuổi, ông được nhận làm chân chạy bán hàng cho hãng Lily Tulip Cup.
Hơn chục năm sau, Ray Kroc gặp được Earl Prince, ông chủ của một công ty phân phối máy xay sinh tố. Ông này đã kéo Ray Kroc về làm cho mình. Và Ray Kroc đã làm nghề bán máy sinh tố gần hai chục năm liền. Ray Kroc làm chỉ đủ cho một cuộc sống bình thường và hình như ông cũng chấp nhận với những gì mình có. Bởi Ray Kroc đã sang tuổi 52, và ông đã bắt đầu có ý định nghỉ hưu.
Cho đến một ngày cuối năm 1954, Ray Kroc đến cửa hàng ăn nhanh nhỏ tại San Bernadino thuộc bang California, miền Tây nước Mỹ do 2 anh em nhà Richard và Maurice McDonald làm chủ. Ăn thử bánh Hamburger, Ray Kroc thấy rất ngon, lại đơn giản, giá cả phù hợp. Khi trở về nhà, một ý tưởng bất ngờ nhưng vĩ đại đã loé lên trong đầu của ông là, cần phải hợp tác cùng với anh em nhà McDolnald để mở nhiều cửa hàng để phân phối loại bánh này.
Chẳng cần mất nhiều thời gian và giấy bút, ông đã hoàn thành xong một phương án phát triển cả một hệ thống cửa hàng ăn nhanh trên cơ sở cửa hàng của anh em McDonald ở San Bernadino. Ray Kroc tự nhiên so sánh hệ thống cửa hàng của mình sẽ hoạt động như những dây chuyền sản xuất công nghiệp chẳng kém dây chuyền sản xuất ôtô của Henry Ford. Và ông sẽ trở thành nhà cách mạng mở đường cho công nghiệp ăn nhanh như Henry Ford đã mở đường cho công nghiệp xe hơi ở Mỹ và thế giới.
Nghĩ là làm, Ray Kroc bắt tay vào thực hiện ý nghĩ mới lạ với tham vọng dường như không tưởng. Với tài ăn nói khéo léo của một người bán hàng, tiếp thị lâu năm, Ray Kroc đã thuyết phục được hai anh em Richard và Maurice McDonald hợp tác với mình. Theo đó, Ray Kroc được toàn quyền sử dụng tên McDonald’s cho hệ thống ăn nhanh sẽ phát triển theo mô hình nhượng quyền kinh doanh franchising. Richard và Maurice sẽ được hưởng 1% doanh số bán hàng của các cửa hàng này. Công ty McDonald’s System Inc. do Ray Kroc điều hành được thành lập.
Ngày 2/3/1955, nhà hàng ăn nhanh McDolnald’s đầu tiên do Ray Kroc mở được khai trương ở De Plaines, Illinois. Ông vận động người nhà, họ hàng và bạn bè thân thiết, mỗi người làm chủ một cửa hàng để đồng loạt cho ra đời những nhà hàng McDolnald’s lớn nhỏ khác nhau nhưng y hệt nhau về cách thức tổ chức, sản phẩm, hình thức, màu sắc biển hiệu.
Kỳ tích kinh ngạc về sự ra đời của ngành công nghiệp ăn nhanh do McDolnald’s khởi xướng bắt đầu thật sự từ đó. Trong vòng 5 năm đã có tới 200 nhà hàng McDonald’s được mở ở rất nhiều nơi và đều được đón nhận nồng nhiệt.
Năm 1961, Ray Kroc đã có một quyết định táo bạo là mua lại phần quyền lợi 1% doanh thu đã thỏa thuận trước kia. Sau nhiều lần thương thuyết, anh em McDonald đã đồng ý nhận 2,7 triệu USD để Ray Kroc một mình một chủ cái tên McDonald’s và hưởng toàn quyền lợi tức của hệ thống cửa hàng McDonald’s.
Để có được số tiền này, Ray Kroc đã phải vay mượn rất nhiều, trong có cả nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm. Nếu như quyết định trên của Ray Kroc được coi là một trong những bí quyết kinh doanh vĩ đại nhất, hay được đưa vào giáo trình kinh doanh, thì với anh em Richard và Maurice McDonald lại là sai lầm. Nếu không, ngày nay họ có thể nhận được tới trên 200 triệu USD từ 1% doanh thu của tập đoàn McDonald’s.
Mô hình franchising của tập đoàn McDonald’s có lợi thế lớn là cho người nhận nhượng quyền kinh doanh quyền chủ động rất lớn. Những người chủ cửa hàng có thể tự chọn cho mình các hoạt động quảng cáo, marketing thích hợp với địa bàn, vị trí của mình.
(Theo TBKTVN)