Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt cho biết, trước đó, trong phiên đấu giá ngày 28/5, ông Vũ Mạnh Hùng - người đại diện trả giá thay ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã trúng đấu giá cặp chóe Tứ Linh ở mức giá 6,05 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 6/6, ông Hùng đã phản hồi Lạc Việt về việc từ chối mua tài sản nói trên.
Đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, ông Đỗ Anh Dũng chỉ ủy quyền cho ông Hùng đi đấu giá với giới hạn tối đa 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, có thể trong quá trình đấu giá, ông Hùng do "hưng phấn" nên đã trả giá cao hơn so với mức đã được giao.
Do đó, Lạc Việt cho biết, theo quy định sẽ không hoàn trả ông Dũng số tiền đã đặt cọc 50 triệu đồng. Đồng thời, cặp chóe Tứ Linh sẽ được bán cho người trả giá liền kề là ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hải Phát với giá trúng 6 tỷ đồng. Lạc Việt cho biết, hiện ông Hải đã đồng ý mua lại cặp chóe Tứ Linh này.
Mức giá khởi điểm của tài sản này trong phiên đấu giá được diễn ra vào ngày 28/5 là 900 triệu đồng. Mức giá 6,05 tỷ đồng được đại diện của ông Dũng đưa ra sau 29 lần đấu giá chỉ có "nâng lên" mà không "hạ xuống".
Từ vụ việc này, Công ty Lạc Việt cũng cho biết còn nhiều điều cần phải rút kinh nghiệm và kiến nghị đưa thêm vào Luật Đấu giá sắp ban hành để ngành đấu giá Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp và hội nhập phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tình trạng doanh nghiệp, cá nhân tham gia đấu giá sau đó không mua tài sản đó nữa từng diễn ra rất nhiều lần. Trước đó, năm 2009, một doanh nghiệp tại TP HCM đồng ý mua đấu giá bức tranh gây quỹ từ thiện với mức 450 triệu đồng trong chương trình "Nối nhịp trái tim" nhưng sau đó bỏ chạy. Năm 2010, tại đêm thi Hoa hậu Trái Đất nhằm ủng hộ đồng bào miền Trung, một tác phẩm bằng gỗ lụa được đấu giá cuối cùng gần 48 tỷ đồng, nhiều tài sản khác cũng có giá vài tỷ đồng. Tuy nhiên, cuối cùng không có hiện vật nào được trả tiền đúng như cam kết, thậm chí có người không nộp...
Liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, vào tháng 6 năm ngoái, tập đoàn này cũng tham gia đấu giá khu đất vàng diện tích 3.000 m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM và trúng với giá đấu cao nhất 1.430 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, Tập đoàn gửi đơn đề nghị hủy kết quả đấu giá lên chính quyền TP HCM với lý do phương án đấu giá có sai phạm về bước giá.
Trong một số phiên thảo luận tại Quốc hội về Luật Đấu giá, vấn đề này từng được nhiều đại biểu đề cập khá gay gắt với quan điểm cần ngăn ngừa tình trạng đấu giá cao để quảng bá rồi bỏ chạy. Các đại biểu cũng cho rằng cần có chế tài xử lý đối với tình trạng trên.
Cặp chóe Tứ Linh nổi bật bởi kích thước gần 2 người ôm và kỹ thuật chế tác đặc biệt khi được gia công hoàn toàn bằng tay theo kỹ thuật vuốt gốm cổ truyền do nghệ nhân khiếm thính Phạm Anh Đạo (Bát Tràng, Hà Nội) thực hiện. Thành lập năm 2002, xưởng gốm của anh Đạo vẫn được biết tới như cơ sở duy nhất còn theo đuổi việc chế tác bằng tay, thay vì dùng máy móc. Đôi chóe khổng lồ ra đời năm 2010 nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Mỗi chiếc chóe này có chiều cao gần 2m, đường kính 1,2m và nặng 500kg. Các họa tiết vẽ tứ linh (long lân quy phượng) trên chóe được nghệ nhân vẽ lại, dựa trên các họa tiết gốm truyền thống với nước men rạn theo kiểu giả cổ. Để có được đôi chóe này, nghệ nhân đã mất gần một năm chuẩn bị, với chi phí hơn 250 triệu đồng. Trong đó, chỉ riêng tiền gas để đốt lò nung cho đôi chóe cùng một cặp lục bình và một bát hương cũng đã lên tới gần 40 triệu đồng. Anh Đạo và cộng sự phải thức suốt 6 ngày đêm để canh lò nung. |