Ông chủ SoftBank Masayoshi Son hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Grab. Nguồn tin giấu tên của Bloomberg cho hay, hai startup giá trị nhất Đông Nam Á này hiện tích cực tham gia các cuộc họp qua Zoom sau nhiều tháng thảo luận và tiến dần đến việc đạt một thỏa thuận. Điểm mấu chốt vẫn là hai doanh nghiệp này liệu có hợp nhất toàn bộ hoạt động không, hay Grab chỉ thâu tóm hoạt động kinh doanh của Gojek tại Indonesia.
CEO Grab, Anthony Tan thích thương vụ thâu tóm đi theo hướng thứ hai. Điều này cho phép Tan vận hành hoạt động kinh doanh ở Indonesia như một công ty con của Grab. CEO 39 tuổi cũng sẽ ít phải đối mặt với việc bị pha loãng cổ phần. Trong khi đó, cổ đông Gojek đang muốn hai bên sáp nhập hoạt động tại cả khu vực và ông chủ SoftBank cũng đồng quan điểm.
Các cuộc đàm phán cho thấy căng thẳng giữa Tan và tỷ phú Masayoshi Son - người từng ủng hộ tầm nhìn của Tan với Grab. Từ đi chung xe, startup này đã mở rộng sang lĩnh vực giao đồ ăn, thanh toán điện tử và tham vọng tạo ra một siêu ứng dụng ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, các khoản lỗ của Grab đã bắt đầu làm Son và các cổ đông khác thay đổi quan điểm, nhất là sau khi WeWork – startup được SoftBank đầu tư sụp đổ và Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ở khu vực.
Hiện tại, đại diện của Grab, Gojek, SoftBank đều từ chối bình luận về vấn đề này.
Theo Bloomberg, một vấn đề đáng quan tâm khác là liệu các cơ quan quản lý có phản đối sự kết hợp giữa hai doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đi chung xe hàng đầu khu vực hay không, với sự hoạt động chồng chéo ở cả một số mảng khác.
Grab và Gojek đã bị kẹt trong một cuộc chiến tốn kém để giành thị phần vài năm qua. Vì vậy, việc sáp nhập sẽ giảm lượng tiền bị đốt và tạo ra một trong những công ty internet mạnh nhất khu vực. Grab hiện có mặt ở 8 quốc gia, được định giá khoảng 14 tỷ USD. Trong khi, Gojek có giá trị khoảng 10 tỷ USD, hoạt động tại Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Các nhà đầu tư cũng lo lắng về sự cạnh tranh ngày càng tăng đến từ các đối thủ như Sea – doanh nghiệp đã IPO năm 2017 và có vốn hóa khoảng 82 tỷ USD. Công ty sở hữu Shopee và các dịch vụ thanh toán điện tử gần đây đã nhanh chóng mở rộng hoạt động khắp Đông Nam Á.
Theo nguồn tin của Bloomberg, hai bên đang đàm phán về cấu trúc, định giá, cũng như cách giảm thiểu lo ngại của các cơ quan quản lý chống độc quyền. Thỏa thuận này có thể phụ thuộc vào thời gian kéo dài của đại dịch – yếu tố sẽ tác động đến dòng tiền của các công ty.
Grab đã cố huy động nguồn vốn mới. Công ty đang đàm phán với Alibaba về một khoản đầu tư trị giá 3 tỷ USD. Năm 2019, startup này đã đốt hơn 200 triệu USD. Từ khi đại dịch bùng phát, công ty đã mở rộng việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu hàng ngày. Hồi tháng 8, Grab công bố một loạt dịch vụ tài chính và sản phẩm mới.
Còn Gojek đang mở rộng các hoạt động thanh toán tiện tử. Ví GoPay đã giúp 400.000 hộ kinh doanh siêu nhỏ ở Indonesia chấp thanh thanh toán trực tuyến. GoPay cũng mở rộng sang cả Thái Lan cho phép người dùng thanh toán chuyến xe và đặt đồ ăn trên ứng dụng Gojek.
Tú Anh (theo Bloomberg)