
Trần Danh phát triển mô hình chuỗi Quán Bụi gắn với ẩm thực truyền thống.
- Lý do nào khiến anh chọn ẩm thực truyền thống làm chủ đạo hệ thống Quán Bụi?
- Quán Bụi đầu tiên ra đời năm 2011 - thời điểm phong cách ẩm thực phương Tây cùng làn sóng fastfood (thức ăn nhanh) bùng nổ tại Việt Nam. Nhiều thương hiệu F&B nổi tiếng gia nhập thị trường. Kinh tế phát triển mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có làn sóng Việt kiều trở về nước lập nghiệp. Tôi nhận thấy đó là cơ hội đầu tư vào mô hình nhà hàng theo phong cách ẩm thực truyền thống. Người nước ngoài khi tới Việt Nam sẽ tìm đến và những thực khách xa quê khi về Việt Nam vẫn tìm được các món ăn gắn với ký ức và kỷ niệm.
Đối với tôi, dù cuộc sống có hiện đại đến mức nào thì món ăn Việt vẫn mang giá trị và ý nghĩa đặc biệt. Nó gắn với tuổi thơ và những kỷ niệm quen thuộc trong mỗi con người. Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại khiến nhiều người không đủ thời gian chuẩn bị bữa ăn đủ chất, trong khi thức ăn nhanh dù tiện lợi nhưng về giá trị dinh dưỡng vẫn không thể sánh bằng đồ ăn Việt. Đây cũng là động lực thôi thúc tôi phát triển Quán Bụi, mang đến những bữa ăn truyền thống, mộc mạc giữa lòng Sài Gòn.

Không gian đậm chất Việt của Quán Bụi chi nhánh 22 Đặng Hữu Phổ (quận 2, TP HCM).
- Không được đào tạo bài bản về nấu ăn, anh gặp khó khăn gì khi điều hành cùng lúc 6 cửa hàng?
- Tôi đã có kinh nghiệm làm việc tại các nhà hàng trong thời gian còn đi học. Tôi nghĩ rằng, những hương vị món ăn Việt đã thấm sâu vào tiềm thức, nên dù không được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp nhưng tôi có thể phân biệt mùi vị, thành phần của món ăn qua khứu giác và vị giác.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là tôi may mắn có được đội ngũ nhân sự ổn định, các bạn trẻ có tâm với nghề và gắn kết với quán từ những ngày đầu.

Một góc Quán Bụi tại 17A Ngô Văn Năm, Quận 1, TP HCM.
- Tại sao anh phát triển thêm thương hiệu nhà hàng Laang song song với Quán Bụi?
- Laang ra đời không phải là sự ngẫu hứng của cá nhân tôi, mà xuất phát từ nhu cầu của xã hội hiện đại, đó là cần sự tĩnh lặng, thư thái. Bởi khi cuộc sống có quá nhiều áp lực và bí bách, con người thường tìm đến những nơi giúp cho họ có thể thư giãn và cân bằng. Chữ Laang mang ý nghĩa là "lặng yên", cũng là thông điệp chúng tôi muốn gửi đến khách hàng khi xây dựng thương hiệu.
- Laang có khác biệt về thực đơn như thế nào so với Quán Bụi?
- Tôi vẫn giữ trọng tâm là các món ăn Việt, nhưng được chiế biến theo phong cách nhiệt đới mới lạ. Đội ngũ nhân sự của Laang đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị nguyên liệu, cho đến cách bày trí không gian và quy trình phục vụ. Tôi muốn mọi thứ phải thật sẵn sàng, chu đáo, rồi mới ra mắt thị trường. Laang là cột mốc mới trong mô hình kinh doanh của Quán Bụi Group.
- Kế hoạch trong năm 2020 của anh là gì?
- Năm tới Quán Bụi đang có nhiều ấp ủ cho các dự án mới, như đổi mới không gian quán gian, ra mắt những menu hoàn toàn khác trước đây... Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục phát triển chuỗi và ghi dấu ấn trong lòng thực khách.