Sau hơn hai tháng mở cửa, nhà hàng chuyên đồ ăn Việt mang tên Temple Club của ông Geoffrey Deetz ở Oakland, California, Mỹ luôn tấp nập, tiếp đón hàng trăm thực khách mỗi ngày.
Là ông chủ kiêm đầu bếp chính của nhà hàng, ông Deetz phải mất khá nhiều thời gian mới có thể sắp xếp được cuộc trò chuyện với VnExpress qua điện thoại vào lúc 3h sáng, theo giờ Mỹ.
"Tôi rất thích thú khi nhiều người đến Temple Club để hỏi vì sao mỗi suất ăn lại có ít, mỗi món lại có phải có một loại nước chấm riêng", ông Deetz nói về sự tò mò của khách hàng.
Với hơn 16 năm sống ở Việt Nam, ông chủ nhà hàng Temple Club có thể dễ dàng trả lời những thắc mắc đó. Nếu không phân biệt được sự khác nhau của nước mắm pha chanh, pha tỏi, gừng hay nước tương, người ăn sẽ không cảm nhận được độ ngon của món ăn. Tệ hơn, nếu dùng một loại nước chấm cho tất cả các món trên bàn, đồ ăn sẽ rất "vô lý".
Những câu chuyện xoay quanh cách ăn sao cho đúng, tầm quan trọng của rau thơm, xuất xứ của những nguyên liệu, gia vị liên quan đến văn hóa Việt Nam khiến cho công việc của ông Deetz không đơn giản chỉ là bán đồ ăn, mà trở thành niềm vui bất tận của ông, một người say mê ẩm thực đến mức khắt khe.
Sự khắt khe của ông Deetz đối với món ăn Việt xuất phát từ trải nghiệm của chính ông ở Việt Nam từ năm 2000. Khi đã là một đầu bếp nổi danh ở Oakland, ông Deetz không bắt tay vào học nấu món Việt luôn, mà bắt đầu bằng việc tìm hiểu cuộc sống thường ngày của người dân, từ đó hiểu sâu sắc các món ăn và việc chế biến trở thành điều dễ dàng.
Đồ ăn Việt Nam "đích thực" phải là những phần nhỏ, không "tham" về số lượng, thanh nhẹ nhưng hương vị đậm đà khiến người ăn phải hít hà. So với nhiều nước, ẩm thực Việt chú trọng các nguyên liệu có lợi cho sức khỏe. Để truyền tải được đúng bản chất món ăn, người đầu bếp phải "chịu chơi", sử dụng đúng lượng nguyên liệu cần thiết. Các món tiêu biểu của Temple Club là mì Quảng, tôm chiên cốm, ếch xào lăn, gà nướng lá chanh, bánh cuốn, gỏi cá.
"Tôi muốn kể nhiều hơn về nét văn hóa gia đình trong ẩm thực Việt với các khách hàng của mình. Mỗi món ăn đều có câu chuyện của nó, thế hệ ông bà đã nấu như thế nào, họ đúc rút kinh nghiệm rồi truyền lại cho con cháu, từ đời này qua đời khác. Vì thế người Việt ăn chung món ăn với nhau để cùng thưởng thức", ông Deetz nói.
Từ khi trở về Mỹ hồi năm 2015, trong suốt gần hai năm làm tư vấn mở nhà hàng, ông Deetz ngạc nhiên khi thấy nhiều người đặt tiêu chí cơ sở hạ tầng sang trọng lên hàng đầu. Với đồ ăn Việt Nam, tiêu chuẩn đó không đúng. Vì thế ông Deetz quyết định tự mình phải làm. Đó là nguyên nhân Temple Club ra đời, nhờ sự giúp đỡ của vợ ông, là người Việt Nam, cùng một số người bạn.
Ông chủ của Temple Club đến giờ có thể biết rõ khách hàng của mình thuộc "thành phần" nào khi họ đến đây. Những thanh niên sinh ra ở Mỹ không biết đến sự đa dạng của ẩm thực Việt nên, tới để khám phá, có người từng ngạc nhiên kêu lên khi thấy nhà hàng có món chế biến từ chuối xanh. Thứ hai là những người nước ngoài, người Mỹ da màu, da trắng, người châu Âu hay châu Á, từng đến Việt Nam, họ muốn tìm lại hương vị ưa thích. Cuối cùng là những người sinh ra ở Việt Nam, họ đến Temple Club vì có thể tìm thấy sự đồng cảm, thỏa nỗi nhớ nhung quê nhà.
"Có lần một người bước vào hỏi chúng tôi có mắm tôm không. Tôi đáp có. Người ấy ngồi thưởng thức mà mọi người xung quanh đều không có phản ứng gì là khó chịu hay sợ hãi cả", ông Deetz kể lại một trong những điều thú vị của nhà hàng.
Hiện Temple Club có tổng cộng 11 nhân viên, là người từ nhiều nước khác nhau như Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, nhưng đều có điểm chung là hiểu rõ đồ ăn Việt. Trong khi chồng làm đầu bếp, vợ ông Deetz đảm nhận một vai trò không kém phần quan trọng là "nếm đồ xem đã đúng vị chưa".
Nhờ có chợ của người Việt trong khu vực nên ông chủ Temple Club không gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm các loại nguyên liệu."Không phải tất cả nhưng chúng tôi có thể có nhiều thứ", ông nói.
Thèm đi cắt tóc ở Việt Nam
Có hai nguyên nhân khiến ông Deetz và vợ quyết định rời Việt Nam về Mỹ sống, đó là do lo ngại vệ sinh thực phẩm không an toàn và muốn chuẩn bị cho hai con trai, một cậu hai tuổi rưỡi và một 5 tuổi, đi học.
Nhiều lúc ông Deetz nhớ cuộc sống tự do, sôi động ở Việt Nam. Thỉnh thoảng, ông nói nhiều câu bằng tiếng Việt, với chất giọng miền Nam nhẹ nhàng.
"Tôi thèm được đi cắt tóc, gội đầu thư giãn như ở Việt Nam. Đi chơi bằng xe máy, muốn ăn gì cũng dễ dàng và nhanh chóng. Ở Mỹ thì phải đi ô tô", ông Deetz liệt kê ra nhiều thú vui. Ông Deetz cho biết mình nhớ nhất món xôi gà, bánh mì ở Việt Nam.
Bù lại, khi có Temple Club, ông Deetz cảm thấy mình vẫn sống trong không gian quen thuộc đó. Ông đang tập trung toàn bộ cho nhà hàng này với mong muốn nó sẽ được nhiều người trong khu vực biết đến. Ông dự định sẽ mở thêm nhà hàng khác sau vài năm nữa.
"Vì tôi không phải là người Việt nên tâm lý rất thoải mái, không cảm thấy e sợ là mình nấu có đúng công thức không. Tôi có thể làm nhiều đồ ăn và tôi thích được chia sẻ nó với nhiều người", ông Deetz nói.
Việt Anh