Trong cuộc họp hôm 5/11 giữa gia đình các nạn nhân trên chuyến bay JT610 và chính quyền, Rusdi Kirana, người đồng sáng lập và chủ sở hữu hãng hàng không Lion Air, không được mời phát biểu, theo AP. Tuy nhiên, Kirana đã đứng lên trước đám đông và cúi đầu xin lỗi sau khi các thân nhân giận dữ yêu cầu ông ra mặt. Sau buổi họp, Kirana nhanh chóng rời đi và né tránh những câu hỏi từ phóng viên.
"Lion Air đã thất bại. Tôi muốn Rusdi Kirana và đội ngũ của ông ấy phải chú ý. Từ lúc diễn ra cuộc khủng hoảng, tôi chưa từng được Lion Air liên hệ. Chúng tôi đã mất con, nhưng hãng không thể hiện sự thông cảm nào", cha của hành khách Shandy Johan Ramadhan cho biết.
Nhiều gia đình đang phải đau đớn chờ đợi thân nhân của mình được nhận dạng. Các chuyên gia pháp y đã nhận được gần 140 túi chứa mảnh thi thể nhưng mới xác định được 14 nạn nhân.
Soerjanto Tjahjono, giám đốc Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, phát biểu tại cuộc họp rằng dữ liệu trong thiết bị ghi thông số chuyến bay phù hợp với các báo cáo trước đó rằng tốc độ và độ cao của chiếc Boeing 737 MAX 8 không ổn định. Đội tìm kiếm vẫn đang cố xác định vị trí thiết bị ghi âm buồng lái.
Các thân nhân thắc mắc tại sao chiếc máy bay lại được phép cất cánh sau ghi gặp vấn đề trên chuyến bay từ Bali tới Jakarta đêm trước. "Lion Air nói rằng vấn đề đã được khắc phục, có thật là như thế không? Nếu không, các kỹ thuật viên phụ trách phải chịu trách nhiệm", Bambang Sukandar, cha của một nạn nhân, cho hay.
Tjahjono cho biết việc xuất hiện nhiều mảnh vỡ nhỏ và khu vực tìm kiếm tương đối hẹp cho thấy máy bay đã lao xuống biển với tốc độ rất nhanh. "Máy bay vẫn nguyên vẹn trước khi chìm, không phát nổ giữa không trung và động cơ vẫn chạy khi máy bay chạm mặt nước ở tốc độ cao. Việc tất cả cánh turbine biến mất đã chứng minh điều đó", ông giải thích.
Chuyến bay JT610 của hãng Lion Air rơi xuống biển hôm 29/10, chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ Jakarta trên hành trình tới Pangkal Pinang, khiến toàn bộ 189 người trên khoang thiệt mạng. Đây là thảm họa hàng không tồi tệ nhất tại Indonesia kể từ năm 1997, khi 234 người chết trong chuyến bay của hãng Garuda.
Lion Air là một trong những hãng hàng không mới nhất của Indonesia, nhưng đã phát triển nhanh chóng với hàng chục điểm bay nội địa và quốc tế, hiện mở rộng mạnh mẽ ở Đông Nam Á.
Ánh Ngọc