Hơn 3 năm ở Trại Quản lý và Cải tạo phạm nhân Xuân Nguyên, một vùng núi đồi hẻo lánh thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, với công việc khá vất vả, nặng nhọc, song Ngô Văn Thà vẫn giữ được vẻ điển trai, rắn rỏi. Trong buổi chuyện trò, anh ta nói năng từ tốn, chắc chắn, cái vẻ của người từng hành nghề luật sư.
Vào thời điểm trước những năm 90, vợ chồng Thà - Dung chỉ là những công chức nghèo, với công việc khá ổn định (Thà tốt nghiệp ĐH Luật, Dung ĐH Kinh tế). Nhưng từ 1992, khi Thà được thừa hưởng một mảnh đất đắt giá của bố mẹ chia cho bên Hồ Tây thì cuộc sống của họ bắt đầu thay đổi. Với sự tính toán hết sức kinh tế của Dung, Thà chấp nhận bán đi một nửa mảnh đất, nửa còn lại đúc lên khách sạn Lưu Ly, tên ghé của 2 đứa con gái, để người đời biết sự thắm thiết, bền lâu như ngọc của một mối tình. Nhưng chỉ 2 năm sau, Công an huyện Từ Liêm (cũ) đã khởi tố, bắt giam người cháu của Thà, xử phạt 12 tháng tù, vì trong khi “trông nom” Lưu Ly giúp Thà, anh ta đã phạm luật. Sau sự cố ấy, vẫn với khát vọng làm giàu, Dung - Thà đổi tên mới cho khách sạn là Công Dung, tên ghép của hai người (Công là tên thường gọi của Thà). Tiếp theo đó là thành lập Công ty TNHH Công Dung và từ đây, hai vợ chồng khuếch trương hơn nữa hoạt động “tươi mát”. Tiếng đồn của Công Dung vang xa cả nước, thậm chí một vài “playboy” nước ngoài cũng biết mà tìm đến... và tiền cứ chảy ngày càng nhanh vào túi Dung - Thà.
Đêm 31/8/1998, Cảnh sát hình sự Hà Nội tấn công “động bàn tơ” này. Hôm đó, dù quá nửa nhân viên về nghỉ lễ, chỉ có 17 “yêu nhền nhện” ở lại và dù không phải là “ngày đẹp” cho các thượng đế ngao du, nhưng trên máy vi tính của Công Dung vẫn hiển thị con số 30 triệu đồng tiền thu dịch vụ. Điều đó lý giải cho 2 chiếc Mercedes mang biển 30A-3333 và 30A-5555 nằm trong garage thuộc sở hữu của Thà, rồi những cuộc du lịch của cặp vợ chồng khắp Hong Kong, Singapore, Macao, Hà Lan, Pháp, Bỉ... và chuyến xuất dương sang Thái Lan trước khi họ bị bắt. Những gì lưu lại của ngày ấy là những bức ảnh hai vợ chồng trong trang phục tiểu thư thời trung cổ và chàng hiệp sĩ gươm tuốt trần..., mà xem ra chẳng ai ngờ rằng Dung hơn chồng đến 6 tuổi.
Dung, Thà bị bắt, truy tố, rồi ra tòa và những câu tuyên bố xanh rờn của họ với công an đêm 31/8 cũng dần bị rơi vào quên lãng: “Các anh phá cửa thì phải đền đấy” hay “cứ lên đó 3 ngày họ phải thả ngay ấy mà”... Thà lãnh án 19 năm, Dung 12 năm tù, cộng thêm gần 100 năm tù của 22 người nữa, trong đó có nhiều người thân của Thà. Về 4 tỷ đồng tiền phạt, Thà nói: “Biết đến bao giờ em được thả, mà khi ra rồi, biết làm gì để có được 4 tỷ đồng mà trả nợ cho Nhà nước”. Lo vậy có lẽ do những ngày ở trại, Thà mới hiểu ra giá trị sức lao động: đập đá hộc, xay đá dăm cả ngày, sản phẩm làm ra chỉ bán được 20-30 nghìn đồng. Có nghĩa là, nếu muốn có 30 triệu đồng doanh thu một ngày của Công Dung (nay đã bị tịch thu) thì Thà phải cật lực trong 1.000 ngày.
Cán bộ quản giáo ở trại cho biết, Thà khá chăm chỉ và có cách cư xử của người có học, biết hối lỗi. Cũng vì thế, mấy tháng nay, anh ta đã được Ban giám thị Trại Xuân Nguyên giao cho việc giúp lãnh đạo Phân trại B theo dõi công tác thi đua ở đây. Hằng ngày, từ sớm tinh sương cho đến khi kẻng báo giờ ngủ, Thà phải đôn đốc việc tập thể dục, thể thao, giữ gìn vệ sinh trật tự, tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa cho gần 100 trại viên. Thêm nữa, mỗi tuần phải viết một bản tin thi đua đọc trên loa phát thanh của trại.
Những ngày qua, những gì ấn tượng nhất với Thà chính là quản giáo Trại Xuân Nguyên. Thà nói: “Những người gần gũi, giúp đỡ em và để lại ấn tượng đẹp nhất là các cán bộ quản giáo ở đây, chứ không phải người thân của mình. Em thấy chỉ có lao động tốt mới sớm được hưởng lượng khoan hồng”.
(Theo CAND)