Đó là đêm 26/8, khi những kẻ cướp phá lan tràn khắp trung tâm thành phố Minneapolis, bang Minnesota, sau khi có tin đồn một nghi phạm giết người bị cảnh sát bắn chết. Dù cảnh sát đã nỗ lực dập tắt tin đồn bằng cách công bố video về sự việc, khẳng định người này chết do tự sát, bạo lực vẫn nổ ra.
Nguyễn đang có mặt ở nhà hàng Lotus thì nhìn thấy đám đông từ 10 tăng lên 80 người chỉ trong vài phút.
"Tôi đã bảo với một số người rằng 'không có gì ở đây cho các anh cả, đừng gây rối với chúng tôi'", Nguyễn kể.
Tuy nhiên, họ phớt lờ lời anh, ban đầu là ném đá, sau đó ném một bình cứu hỏa. 5 kẻ nhảy vào trong nhà hàng, một kẻ hướng về bức ảnh gia đình của Nguyễn và ném thứ gì đó. Hành động này khiến Nguyễn rút súng. Anh có giấy phép sử dụng súng, nhưng cuối cùng đã không bắn.
"Tôi nhìn thấy sự giận dữ, sợ hãi trong anh ta và tôi khóc", anh kể. "Tôi đi về nhà và tôi khóc. Tôi thức suốt đêm và khóc".
Gia đình Nguyễn mở nhà hàng Lotus từ năm 1984. Giấc mơ Mỹ của họ tan tành sau một đêm bởi vài kẻ phá hoại.
"Vào những nhà hàng nhỏ như thế này, bạn sẽ chẳng thu được gì", Nguyễn nói. "Họ sẽ lấy gì đây, trứng cuộn sao? Họ không làm thế, họ thậm chí không vào bếp".
Nguyễn cho rằng người đối đầu với mình có thể là một thiếu niên 17 tuổi. Đó là một đêm khó khăn. Lotus là một trong hàng chục cơ sở kinh doanh bị phá hoại đêm đó ở Minneapolis.
Cảnh sát có mặt khá nhanh và đám đông bỏ chạy tán loạn. Anh xúc động khi thấy nhiều người ở các căn hộ gần đó đổ ra ban công cổ vũ cảnh sát và kêu gọi chấm dứt cảnh hỗn loạn.
Thống đốc Tim Walz đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở Minneapolis và triển khai lực lượng tuần trang cùng Vệ binh Quốc gia của bang để đối phó với "bạo lực và cướp phá vô pháp" ở trung tâm thành phố. 33 người bị bắt trong đêm, 16 người bị cáo buộc các tội danh trộm cắp cấp độ hai và ba.
"Chứng kiến những kẻ cướp phá nhà hàng của gia đình mà chúng tôi đau lòng quá", Nguyễn viết trên Facebook vào sáng hôm sau. "Họ vừa làm điều đó vừa cười nhếch mép".
Bên cạnh ảnh hưởng về tinh thần, Nguyễn cũng chịu đựng một số thiệt hại về vật chất. Anh cho biết cửa sổ của nhà hàng bị vỡ kính, các bức tường bị phá hoại, máy tính tiền bị cướp.
"Hầu hết những thiệt hại với các doanh nghiệp nhỏ như của chúng tôi đều do chủ tự khắc phục và chi trả. Chúng tôi không muốn mất bảo hiểm của mình. Không có nó, chúng tôi không thể hoạt động", anh nói.
Riêng năm nay, nhà hàng của anh đã hứng chịu 3 đợt bạo loạn, trong đó bạo loạn sau cái chết của người da màu George Floyd hồi tháng 5 là lớn nhất.
"Chúng tôi đang rất kiên cường. Bố và mẹ tôi rất kiên cường. Chúng tôi đến từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, gây dựng lại mọi thứ không phải là điều gì xa lạ với họ", Nguyễn nói.
"Nhưng bọn họ cứ xuất hiện suốt", mẹ của Nguyễn nói. "Tôi không thể tin được. Rất, rất buồn".
Nhiều người dân trong cộng đồng đã bày tỏ ủng hộ với nhà hàng Lotus. Một phụ nữ thậm chí đề nghị làm những gì có thể để bồi hoàn cho gia đình Nguyễn sau vụ phá hoại.
"75% khách hàng của chúng tôi là thế", anh nói. "Chúng tôi đều biết tên nhau".
"Họ rất yêu mến gia đình tôi", mẹ của anh nói thêm. "Và tôi cũng rất yêu quý họ. Khi gặp một khách hàng, họ chính xác như gia đình của tôi".
Anh Ngọc (Theo Fox9, Kare11, Patch)