CEO Trần Minh Đạt cho biết, anh bắt đầu kinh doanh từ năm thứ ba đại học với trang trại nấm. Khi đó, anh chủ động vay tiền ngân hàng theo nguồn vốn sinh viên lập nghiệp nhưng thất bại.
Quyết tâm làm lại từ đầu, anh mượn sở đỏ gia đình thế chấp để lấy tiền tiếp tục kinh doanh. Nhiều lần thất bại, chàng trai 8X vẫn không bỏ cuộc. "Tôi thấy bản thân còn non về kinh nghiệm quản trị, chưa có sự sắc sảo trong việc nắm bắt thị trường nên quyết định đi làm công để học hỏi kinh nghiệm. May mắn là chỉ sau 2 tháng đi làm, tôi đã được công ty tin tưởng cử đi xây dựng chi nhánh mới tại Liên Khương, Đà Lạt", anh Đạt cho biết.
Khi đó, anh Đạt một mình lo mọi việc cho chi nhánh mới, từ thủ tục pháp lý, thiết kế, xây dựng tới tuyển dụng nhân sự. Những lần xây dựng chi nhánh tại các tỉnh thành khác nhau giúp anh có thêm kinh nghiệm về quản trị, tài chính, nhân sự, thậm chí cả các công việc chuyên môn như thiết kế, marketing hay tổ chức sự kiện...
Thời gian này, anh còn liên tục làm việc với nhà thầu, đơn vị cung cấp dịch vụ nội thất. Nhận thấy mảng thị trường nội thất có ít các doanh nghiệp tham gia và phần lớn đơn vị này chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, anh cùng một số cộng sự mở ra Công ty cổ phần D&D năm 2010.
CEO Trần Mạnh Đạt cho rằng, doanh nghiệp nhỏ có nhiều lợi thế như sự linh hoạt, khả năng phản ứng nhanh nhạy với thị trường và cung cấp dịch vụ mang tính sáng tạo. Vì vậy, ngay từ đầu, D&D đã hoạch định chiến lược phát triển vững chắc, tối đa hóa nguồn lực về: con người, tài chính, kỹ thuật... Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp xác định phải mang lại cho khách hàng những giá trị tốt hơn mình cam kết.
Theo anh, với doanh nghiệp nhỏ, giai đoạn khó khăn nhất là thuyết phục khách hàng khi mới bắt đầu vào thị trường. Với công trình đầu tiên D&D làm với đối tác Nhật Bản, anh chuẩn bị rất kỹ các phương án triển khai, thuyết trình bài bản, đồng thời gặp đại diện công ty để thuyết phục bằng sự chân thành và khẳng định sẽ không làm họ thất vọng.
Ngược lại, với những khách hàng lớn, doanh nghiệp nhỏ cũng phải có "chiêu" của mình. Năm thứ hai thành lập, sau khi D&D hoàn thiện xong công trình, đối tác không thanh toán 50% giá trị hợp đồng. Thay vì "ngậm đắng nuốt cay", anh Đạt ngay lập tức rà soát lại toàn bộ giấy tờ và quy trình, đảm bảo không có bất kỳ sai sót nào, anh Đạt mạnh tay khởi kiện tập đoàn đó.
"Mặc dù bên họ có cả một phòng pháp chế, tôi thì "tay không bắt giặc" nhưng tôi đúng nên tôi không sợ. D&D theo đuổi vụ kiện hơn một năm trời, cũng khá gian nan nhưng kết quả là thắng kiện và họ phải trả theo đúng hợp đồng đã ký", CEO D&D nói.
Đến năm 2015, công ty tiếp tục gặp khó khăn khi một khách hàng lớn, lâu năm đưa ra những yêu sách "khó chiều". Khách hàng này chiếm 50% doanh thu của D&D nhưng liên tục ép giá cả, thêm bớt hạng mục...
"Họ thường đưa yêu sách vào những thời điểm nhạy cảm như cuối năm khi công nợ, lương, tiền trả cho nhà cung cấp nên tôi bắt buộc phải chấp nhận những đòi hỏi vô lý của khách hàng. Tuy nhiên, sau khi giải quyết xong vấn đề tài chính, tôi quyết định ngừng hợp tác dù lúc đó D&D chưa có khách hàng thay thế", anh Đạt cho biết.
Vượt qua nhiều khó khăn, D&D đã tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường. Vị CEO cho biết, công ty hiện là đối tác của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Vingroup, FPT, Red Sun, Golden Gate, Auchan (Pháp), V-Lotus Nhật Bản, Samsung, Sony, Lock & Lock, Jetstar...
Sau 8 năm phát triển, D&D đã thực hiện hơn 500 công trình, quy mô khối văn phòng 3.000m2, xưởng sản xuất lên tới 20.000 m2 cùng hơn 400 nhân sự. Đầu năm 2018, chuyến hàng nội thất đầu tiên mang thương hiệu D&D đã xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thu Ngân