Chiều 4/9, phiên tòa xét xử bị cáo Phan Cao Trí (42 tuổi, chủ tập đoàn massage Tân Hoàng Phát) và đồng phạm về tội Bắt giữ người trái pháp luật và Cưỡng đoạt tài sản tiếp tục với phần tranh luận. Phát biểu quan điểm về vụ án, vị đại diện VKSND TP HCM nhận định, vợ chồng Trí thành lập là doanh nghiệp Tân Hoàng Phát để hoạt động massage kích dục trá hình.

Khi tự bào chữa, bị cáo Trí kêu oan và cho rằng bị "bức cung, nhục hình" trong quá trình điều tra. Ảnh: H. D.
Bị cáo Trí đã tuyển nhân viên nhưng buộc họ ký cam kết phải ở lại nhà Trí và cho bảo vệ canh giữ 24/24h. Những người nghỉ phép, nghỉ việc trước 6 tháng phải đóng tiền thế chân, bồi thường 24 triệu đồng mới được nghỉ. Trí cho thuộc cấp quản lý chặt chẽ không cho các tiếp viên nữ bỏ trốn. Những người bỏ trốn bị bắt lại đều bị Trí xử lý và bắt nộp tiền chuộc mới cho về.
Hành vi phạm tội của Trí và đồng phạm được nhận định là đặc biệt nghiêm trọng với các tình tiết định khung tăng nặng như: phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, đối với nhiều người. Tại tòa, mặc dù bị cáo Trí, Phan Thị Yến (vợ Trí), Phan Việt Hậu (em vợ Trí), Phan Quốc Cường phủ nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ lời khai của bị cáo Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Hoài Nhanh cùng các bị hại và tài liệu trong hồ sơ vụ án, VKS cho rằng có đủ cơ sở kết luận họ đã phạm tội như quy kết.
“Hành vi của các bị cáo xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ, quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của công dân, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội do đó cần xử lý nghiêm”, vị kiểm sát viên nêu quan điểm. VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Phan Cao Trí 12-14 năm tù, Hậu 10-12 năm tù, Cường 7-9 năm tù về hai tội Bắt giữ người trái pháp luật và Cưỡng đoạt tài sản. Đối với Phan Thị Yến, VKS đề nghị mức án 4-5 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản. Các bị cáo Nhanh và Phương bị đề nghị từ 1 đến 4 năm tù về tội Bắt giữ người trái pháp luật.
Bào chữa cho bị cáo Phan Cao Trí, các luật sư cho rằng việc bị cáo Trí và các nhân viên ký hợp đồng lao động và các bản cam kết nộp tiền nếu nghỉ việc là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật lao động. Theo luật sư, khoản tiền các tiếp viên phải nộp khi nghỉ việc đó là bồi thường chi phí đào tạo khi nghỉ trước hạn.

Trong suốt phiên xử, bị cáo Yên luôn đeo vòng hạt tràng và niệm phật. Ảnh: H. D.
Bào chữa thêm cho mình, Trí cho rằng, thời điểm lực lượng công an ập vào cơ sở Tân Hoàng Phát các nhân viên ở đây đang làm việc bình thường không có giam giữ nên cũng không phải giải thoát cho họ mà cơ quan chức năng đã yêu cầu họ về đồn. “Bị cáo không bắt giữ và cũng chưa bao giờ cưỡng đoạt tài sản của nhân viên bao giờ”, Trí nói và còn cho rằng mình bị bức cung, nhục hình.
Được mời lên phát biểu ý kiến trong phần tranh luận, một người liên quan vụ án tên Kim Loan bất ngờ tố cáo hành vi “bóc lột” của vợ chồng Trí. Cô cho biết đã làm cho Tân Hoàng Phát được 6 tháng nhưng chưa từng được nhận một đồng lương nào vì đều bị vợ chồng Trí trừ đầu trừ đuôi. Thực tế làm việc không giống như những cam kết trong hợp đồng lao động.
Bị hại Cẩm Hiền do bận con nhỏ nên dù đến tòa từ sáng nhưng đến chiều cũng mới vào phòng và phát biểu ý kiến. Cô khẳng định, vợ chồng Trí đã bắt gia đình mình nộp 24 triệu đồng tiền chuộc để giải cứu cô ra khỏi Tân Hoàng Phát.
“Sau này, bị cáo Yến có trả lại cho tôi 10 triệu đồng, còn lại 14 triệu đồng mong tòa giải quyết cho gia đình tôi nhận lại để về trả nợ”, cô gái nói.
Ngày mai, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần đối đáp.
Hải Duyên