Có con trai đang học lớp 1 ở một trường công lập tại thành phố Odessa (Ukraine), anh Dương Tuấn Dũng luôn yên tâm khi nhận được sự quan tâm và nhiệt tình của hội phụ huynh, đặc biệt với một người nước ngoài như anh.
Lớp học của con trai anh có 33 học sinh. Đầu năm học, cha mẹ học sinh bắt đầu bầu Hội phụ huynh gồm một hội trưởng và một hội phó. Hội này có ba nhiệm vụ chính là tổ chức hoạt động vui chơi, dã ngoại cho học sinh; kết nối giáo viên và phụ huynh, cập nhật tình hình học tập của học sinh cũng như đề xuất của phụ huynh; và thu các khoản phụ phí.
![ong-bo-viet-o-nuoc-ngoai-noi-ve-hoi-phu-huynh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/10/30/da-ngoai-9090-1506141403-4149-1509351487.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lOfNnNJ2Hxd5Wc1VaRAe-g)
Ở Ukraine, hội phụ huynh có nhiệm vụ chính trong việc tổ chức hoạt động dã ngoại và kết nối phụ huynh - giáo viên. Ảnh minh họa: Shutterstock
Theo ông bố gốc Phú Thọ, vào đầu năm học, ngoài các khoản học phí, xây dựng trường theo quy định, hội phụ huynh sẽ thu thêm 350 grip (370.000 đồng) để chi cho nước uống nếu phụ huynh thống nhất cho con uống loại nước khác loại nhà trường cung cấp và sinh nhật cho học sinh cả lớp cũng như giáo viên vì Ucraine rất coi trọng ngày này.
Số tiền này còn được dùng để tổ chức các hoạt động vui chơi cho học sinh. Tuy nhiên, đó chỉ là tiền tạm ứng đầu năm chứ chưa phải cuối cùng vì số lần đi chơi phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của phụ huynh.
Ngoài số tiền trên, hội phụ huynh sẽ họp bàn xem lớp học còn thiếu gì, ví dụ thiếu điều hòa, đồng hồ… Cảm thấy cần thiết, hội sẽ xin ý kiến cả lớp để đóng góp và mua. Khoản này không bắt buộc và giáo viên không có quyền can thiệp vào quyết định của phụ huynh.
“Hội phụ huynh thu chi tiền rất hiệu quả. Họ họp lấy ý kiến trước khi thực hiện. Ngay sau khi hoàn thành lắp đặt, họ công khai mọi hóa đơn, số tiền đã thu, đã chi để phụ huynh khác nắm được nên chúng tôi rất an tâm”, anh Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, nhiệm vụ thu tiền, theo anh Dũng, chỉ là phụ, việc tổ chức các hoạt động vui chơi cho học sinh mới là chính. Hội có trách nhiệm tập hợp ý kiến phụ huynh cả lớp trước mỗi lần đi chơi, lên kế hoạch cụ thể và đứng ra tổ chức.
Ngoài ra, hội còn có trách nhiệm đưa ý kiến của phụ huynh đến giáo viên và nhà trường. “Chúng tôi có nhóm trên Facebook, Viber. Ngày nào hội phụ huynh cũng vào hỏi tình hình học tập các cháu, có đề xuất gì tới giáo viên hay nhà trường không. Tôi muốn nhấn mạnh là họ hỏi hàng ngày chứ không phải theo tháng hay theo quý”, anh Dũng kể và cho rằng nhờ đó mà ý kiến, tình hình học tập của học sinh được cập nhật thường xuyên.
Ở thành phố Melbourne, Victoria (Australia), chị Thùy Linh, bà mẹ của hai con đang học mầm non và tiểu học, cảm thấy nhẹ nhàng khi nhà trường không đặt ra bất kỳ nhiệm vụ nặng nề nào cho tất cả phụ huynh. Trường tiểu học công lập con gái đầu theo học, không có hội phụ huynh, kể cả của lớp hay của trường.
"Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc con không được tham gia hoạt động ngoại khóa hay phụ huynh không cập nhật được gì về tình hình học tập của con", chị Linh nói.
Mỗi học sinh được tạo một tài khoản (địa chỉ) cá nhân. Mọi thông tin về việc học và các hoạt động của con đều được cập nhật ở đó. Bố mẹ sẽ nhận được mật khẩu đăng nhập để truy cập và nắm bắt tình hình cũng như tin tức ở trường.
Bên cạnh đó, mỗi năm có 4-5 buổi đối thoại một - một giữa giáo viên và từng phụ huynh (được gọi là parents interview). "Ở đó, giáo viên sẽ gặp bố hoặc mẹ học sinh để xem có yêu cầu, thắc mắc hay lo lắng gì về con mình không. Hết một học kỳ, kết quả học tập của con sẽ được vạch ra chi tiết, tốt ở điểm nào, kỹ năng nào cần cải thiện và giáo viên sẽ phân tích trong buổi đối thoại đó", chị Linh kể.
Ngoài các buổi parents interview, phụ huynh nếu muốn gặp thêm hoàn toàn có thể đặt lịch hẹn với giáo viên.
![ong-bo-viet-o-nuoc-ngoai-noi-ve-hoi-phu-huynh-1](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/10/30/tre-Uc-5305-1506141403-2522-1509351487.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=T_ixecdxaV9oEGFsStljNg)
Ngoài học phí và tiền đồng phục, phụ huynh ở Australia chỉ phải chi tiền cho các chuyến dã ngoại của con. Ảnh minh họa: Weekend Notes
Chị Linh khẳng định ngoài khoản thu học phí theo quy định vào đầu năm và tiền đồng phục, phụ huynh chỉ phải đóng thêm một ít tiền cho các hoạt động ngoại khóa nên việc thu chi rất nhẹ nhàng và nhanh gọn, không cần thiết có ban phụ huynh đại diện đứng ra thu tiền.
Nếu trường hay lớp tổ chức đi dã ngoại, họ sẽ gửi giấy tới phụ huynh, đồng ý hay không là quyền của phụ huynh nhưng phải điền vào giấy và gửi lại trường.
"Tuần trước, con tôi tham gia một buổi tham quan bảo tàng và xem phim 4D về khủng long, chi phí 30 đôla Australia. Từ lớp 3 trở lên, các con sẽ được tham gia những buổi cắm trại từ hai đến ba ngày, chi phí khoảng 200-300 đôla. Mức phí này rất hợp lý", chị Linh nhận định.
Ngoài ra, thỉnh thoảng trường tổ chức các chương trình gây quỹ từ thiện, các con đóng góp khoảng 2 đôla Australia mỗi lần. Vào ngày của mẹ hay ngày của bố, trường sẽ mở bán đồ để học sinh mua tặng bố mẹ, giá từ 1 đến 5 đôla.
"Do các khoản thu không nhiều, lớp học chỉ 22 học sinh nên tôi nghĩ không có hội phụ huynh cũng không sao vì nhà trường đã làm tốt việc tổ chức học tập và vui chơi cho con”, chị Linh nói.
Ngày 21/9, ông Võ Quốc Bình (40 tuổi, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TP HCM) cho biết đã gửi đơn lên cơ quan quản lý giáo dục đề nghị giải tán hội phụ huynh học sinh. Lý do theo ông Bình, hội không còn là nơi gắn kết cha mẹ học sinh, kết nối với nhà trường nhằm chăm lo việc học cho con em, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn mà trở thành "hội phụ thu", chuyên đi thu tiền phụ huynh. |