Nhà bác học Einstein từng nói "Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức. Logic chỉ đưa bạn đi từ A đến B nhưng trí tưởng tượng sẽ đưa bạn đi đến bất kỳ đâu". Đó cũng là kim chỉ nam cho việc giáo dục hai con 3 tuổi và 6 tuổi trong gia đình anh Đinh Ngọc Vỹ Long. Dưới đây là 6 cách ông bố hay áp dụng.
Khơi thông dòng chảy tưởng tượng
Một buổi chiều hè tháng 6, anh Long chỉ lên trời và hỏi con gái nhỏ 3 tuổi: "Đám mây kia đẹp chưa kìa, con thấy đám mây giống hình gì thế Bee?". Cô bé ngước lên đáp "Con thấy đám mây giống hình bạn ngựa đó ba". Người cha nói: "Ba thấy đám mây giống hình một bạn rồng phun lửa. Có tia lửa luôn kìa Bee. Trời ơi, tia lửa phun vào người ba, nóng ghê".
Trong bất cứ tình huống nào hỏi các con, anh Long luôn đưa ra một phương án khác, thật giàu màu sắc, âm thanh, cảm xúc. Lần này kỳ thực chẳng có tia lửa nào cả và anh cũng không hề thấy đám mây giống hình con rồng. Trí tưởng tượng thì không có giới hạn hay quy luật gì cả và không cần phải hợp lý hay logic. Anh muốn khơi dòng chảy tưởng tượng cho con bằng càng nhiều hình ảnh, âm thanh, màu sắc, kể cả... cảm giác nữa thì càng tốt.
"Xây thành đắp lũy" cho sức sáng tạo
Cách đây mấy ngày, anh Long mua cho bé Soda một bộ Lego. Cậu bé rất thích lắp máy bay nên nhanh chóng làm theo mẫu. Lát sau bé gọi ba ra lắp cùng vì "hình này khó quá". Anh Long nói: "Con tự lắp đi. Hình mẫu chỉ mang tính chất gợi ý. Con có thể lắp bất kỳ chiếc máy bay nào tùy theo sự tưởng tượng của mình". Cu nói ỉu xìu nói: "Nhưng con không có khả năng tưởng tượng".
Anh dẫn chứng lúc 3 tuổi bất kỳ mẫu lego nào con cũng có thể lắp thành hình máy bay, đồng thời khen con có kỹ năng ngày càng giỏi. Và thế là cu cậu cho ra đời đủ thể loại mô hình máy bay, tàu ngầm, tàu phá băng và gần đây là... tên lửa VX. Theo lời thuyết minh của Soda thì: "Năm 2021, một kỹ sư nhỏ tên là Soda đã thiết kế tên lửa VX. Tomahawk là tên lửa hành trình, còn VX là tên lửa tầm âm thanh, có thể tiêu diệt Tomahawk. Với lại tên lửa VX có thể phóng ra nhiều tên lửa nhỏ và tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc".
Như thường lệ, ông bố lập tức tâng bốc con trai: "Con đúng là một kỹ sư thiên tài. Tên lửa VX là một phát minh hết sức tuyệt vời. Giờ con ráng học đọc chữ và làm phép toán cộng để biết cách chế tạo nhiều tên lửa VX tặng cho các chú bộ đội nhé".
Đây là mẹo rất dễ thực hiện. Khi còn nhỏ, trẻ tin tưởng vào mọi điều bố mẹ nói. Vì vậy hãy giúp trẻ tin rằng mình là một em bé giàu trí tưởng tượng, là nhà khoa học tài ba, là em bé dũng cảm, khỏe mạnh, thông minh, xinh đẹp...
3. 'Người dẫn đường tận tụy' cho trí tưởng tượng
Trong lúc ngồi ăn cơm với món cá mờm khô rang mắm đường, Soda cầm một con cá nhỏ lên và nói "Ba ơi, nhìn bạn cá này giống số 1 chưa".
Theo ông bố, khi trẻ bắt đầu học số và chữ thì nhìn đâu cũng thấy những đồ vật giống chữ và số. Đây là một bước thụt lùi cho trí tưởng tượng. Trong tình huống này, cha mẹ chỉ cần đóng vai người dẫn đường, giúp con có sự hình dung đầy màu sắc và hình ảnh thú vị. Trong trường hợp trên, anh Long trả lời con: "Ba thấy bạn cá này giống cái cây, có cành, rễ này. Rốt cuộc bạn cá này là động vật hay thực vật nhỉ".
Vượt chướng ngại vật "tư duy đồng phục"
Hồi còn học mẫu giáo trước khi có dịch Covid-19, bé Soda kể: "Hôm nay học vẽ con tô mái nhà màu đỏ". Người cha rủ con ra ban công và chỉ ra phía xa: "Con thấy mái nhà kia màu xám không? Có mái nhà màu xanh dương luôn, đẹp ghê. Ba thích cái nhà kia có mái màu xanh rêu kìa Soda. À, nhà này mái màu đỏ giống hình con tô màu nè..."
Qua đó người cha để con biết được mái nhà có rất nhiều màu sắc. Hướng dẫn của cô giáo có tính chất tham khảo và con có thể tự quyết định tô màu gì tùy theo sự quan sát và tưởng tượng của mình. Bố mẹ cần dành thời gian trò chuyện với con, cùng con tìm hiểu những gì đã xảy ra ở trường lớp và giúp con bồi đắp sự tưởng tượng của mình, tránh sự "đồng phục trong tư duy".
"Tư duy đồng phục là khi mọi trẻ em đều làm bài na ná văn mẫu, tô màu đúng theo hình mẫu, và khi giải toán phải áp dụng những phương pháp đã được hướng dẫn. Vợ chồng tôi chấp nhận con đạt điểm thấp hơn một chút, để dành thêm khoảng trống tư duy cho sự sáng tạo, trí tưởng tượng và giúp con vượt qua giới hạn của lề lối tư duy đồng phục", anh Long cho hay.
Sử dụng tay trái
Dùng tay trái nhiều thì não phải (thiên về hình ảnh, âm thanh, tưởng tượng, sáng tạo và cảm xúc) sẽ phát triển, hầu hết bố mẹ đều biết việc này. Nhưng có một bí mật nhỏ, là trẻ còn nhỏ thì việc tập luyện tay trái dễ dàng hơn. Bố mẹ có thể thường xuyên nhắc nhở trẻ: "Sử dụng tay không thuận giúp con thông minh hơn". Trẻ sẽ nhanh chóng hiểu vấn đề và luyện tập thêm.
Trong gia đình anh Long thì tay trái được sử dụng trong các tình huống: Lúc đá bóng thì chuyền vào chân trái của con để con sút bóng bằng chân trái. Chơi cờ, xếp hình, ném bóng, cầm đũa, chải răng, quét nhà, tô màu, vẽ và cả... viết chữ bằng tay trái.
Hiện tại cả hai con của anh đều sử dụng thành tạo tay trái và phải. "Đây chính xác là một món hời quá lớn đến từ tay trái", anh Long nói.
Liên tưởng giữa chữ và hình ảnh
Để hiểu rõ phần này hơn, hãy chọn một quyển sách nào đó mà bạn chưa đọc lần nào. Trong lúc đọc nội dung, hãy mường tượng ra tình huống trong sách một cách rõ ràng, chi tiết nhất có thể. Việc này có thể làm cho tốc độ đọc của bạn hơi chậm lại một chút nhưng sẽ cảm nhận câu chuyện tốt hơn và ghi nhớ nội dung lâu hơn. Đây là cách học cùng lúc bằng não trái và não phải. Điều này rất tốt cho việc ghi nhớ và tốt cho cả trí tưởng tượng.
Khi trẻ 5-6 tuổi bắt đầu học chữ, cũng là lúc trẻ bắt đầu sử dụng não trái nhiều hơn và dùng não phải ít hơn. Bố mẹ chỉ cần dùng mẹo đơn giản này là có thể cân bằng được. Khi dạy con chữ "cà chua", anh bảo con nhớ hình dung ra một quả cà chua trong đầu. Khi dạy chữ "màu xanh", hai cha con cũng tìm vật dụng trong nhà có màu xanh...
Sau một thời gian áp dụng mẹo này thường xuyên, một hôm anh Long nhận ra Soda làm động tác "ăn cơm" khi đọc đến chữ "ăn", làm động tác "chạy bộ" khi đọc đến chữ "chạy". Đó chính là dấu hiệu nhận biết trẻ đang vận dụng cả não phải và não trái trong lúc học.
Vỹ Long