Gặp gỡ với các cặp vợ chồng hiếm muộn tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội ngày 18/8, anh Thanh 31 tuổi cho biết vừa đón con gái đầu lòng nặng 3,5 kg. Anh lập gia đình năm 2013 khi 26 tuổi, vợ anh 18 tuổi. Vậy mà mất 5 năm họ mới được lên chức bố mẹ.
Năm 14 tuổi, anh mắc bệnh quai bị sau đó bị teo một bên tinh hoàn. Song anh không hề biết đó là nguyên nhân khiến anh lấy vợ mà mãi không có con. Năm 2016, hai vợ chồng đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội khám. Kết quả kiểm tra mẫu tinh dịch cho thấy anh không có tinh trùng. Các bác sĩ tìm mọi cách để tìm kiếm tinh trùng cho anh.
Đầu tiên, bác sĩ chọc hút tinh trùng từ mào tinh nhưng thất bại. Hai lần tìm tinh trùng từ phẫu thuật mô tinh hoàn cũng thất bại. Cuối cùng bác sĩ phẫu thuật mở tinh hoàn, sau đó dùng kính hiển vi chuyên dụng tách các ống sinh tinh để tìm tinh trùng (gọi là kỹ thuật Micro TESE). Kết quả tạo được 14 phôi. Một số phôi lần lượt được đưa vào tử cung người vợ. Sau bao nỗ lực, cuối cùng vợ anh Thanh cũng mang thai. Hai vợ chồng anh hiện còn 8 phôi lưu trữ tại bệnh viện.
Bác sĩ Đinh Hữu Việt, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, Micro ESE là kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng diện rộng, trích tinh trùng hiệu quả và an toàn cho trường hợp vô tinh do teo tinh hoàn. Kết quả thụ tinh trong ống nghiệm từ kỹ thuật này cho kết quả có con tương đương với thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng trong tinh dịch. Kỹ thuật đã mở rộng hướng điều trị vô sinh, giúp các cặp vợ chồng bị vô sinh có thể có con của chính mình, điều mà trước đây không thể thực hiện được.
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, với kỹ thuật trên bác sĩ mở từng lớp, nhặt từng con tinh trùng sau đó tiêm trực tiếp bào tương noãn để tăng cơ hội có con. Số tinh trùng mà những bệnh nhân như anh Thanh có được là rất hiếm, tìm được 1-2 con đều rất khó khăn.
Kỹ thuật này được áp dụng trên thế giới từ năm 1999. Tỷ lệ tìm thấy tinh trùng cao 55%, tổn thương mô tinh hoàn ít và cũng ít biến chứng. Tỷ lệ có tạo phôi từ tinh trùng micro là 67%.