Anh Đỗ Ngọc Kiên gắp miếng thịt chim cút bằng hạt lựu lên, chú diều lửa vội há mỏ đớp gọn. Vuốt ve con chim một hồi, người đàn ông lại hất tay cho chú chim bay lượn và thổi còi gọi về cho ăn.
Những buổi huấn luyện chim diều lửa của anh Kiên và người bạn đã trở nên quen thuộc với những người ở quanh khu vực công viên Hòa Bình. Đặc biệt, đám trẻ ở công viên rất háo hức được xem chim biểu diễn và thích thú vì sự dạn người của chúng.
Khi chú diều lửa ăn hết 400 gam thịt chim cút cũng là lúc anh Kiên dừng buổi huấn luyện. "Hàng ngày, phải cân nhắc lượng thức ăn cho nó để đảm bảo không quá đói, nhưng cũng không được quá no. Có thèm ăn thì thả ra nó mới chịu về với mình, còn nếu no, nó sẽ bỏ đi mất", anh thầy giáo thể dục giải thích. Trung bình lượng thức ăn của diều lửa tương đương 10% trọng lượng cơ thể nên khoảng một tuần, người nuôi lại phải cân chim để tính toán lượng thức ăn phù hợp.
Diều lửa là chim săn mồi, chuyên ăn thịt nên dễ thích nghi với đa dạng thời tiết, cũng ít mắc bệnh. Tuy nhiên, bản tính loài chim này hoang dã nên quá trình thuần dưỡng rất công phu. Trước khi Voi (tên chú chim diều lửa) vâng lệnh chủ như bây giờ, hầu như hàng ngày anh Kiên phải mang nó ra công viên huấn luyện.
Ba tháng trước Voi vẫn là con chim non rụt rè. Đến chỗ đông người móng vuốt lúc nào cũng bám chặt ghế đá. Trước khi tháo mũ chụp mắt - giúp diều lửa ổn định tinh thần và bớt hung hãn, anh Kiên phải dành vài phút vuốt ve, ôm ấp. Giai đoạn đầu huấn luyện, càng bện hơi người, chim sẽ càng quấn quýt, nghe lời.
"Ban đầu nó chẳng khác gì chú diều lửa của anh bạn tôi bây giờ", anh Kiên nói, chỉ tay về phía thú cưng của người bạn đi cùng đang trải qua giai đoạn đầu huấn luyện.
Anh Kiên và bạn là hai trong 10 thành viên thuộc một câu lạc bộ huấn luyện chim săn mồi ở thủ đô. "Hiện Hà Nội có khoảng 4 câu lạc bộ. Cả miền bắc có khoảng 20 CLB, với hơn 400 thành viên kể từ khi thú vui này nở rộ vào đầu năm 2016", anh cho biết.
Hơn ba năm trước, tình cờ thấy có người nuôi và huấn luyện diều lửa, anh Kiên tập tành chơi. Do bận rộn vì vừa đi dạy, vừa kinh doanh, anh chọn nuôi dòng chim lượn, thay vì chọn dòng chuyên săn mồi.
Thời gian đầu, một tuần, ông chủ non kinh nghiệm làm bay mất hai con, mỗi con mua hơn 3 triệu đồng. Mất tiền trong nháy mắt, nhưng sau đó, anh lại đón một chú chim diều lửa khác về nuôi, đặt tên là Bò. Anh nhận là "bố đẻ" của nó, vì nuôi từ lúc chim mới hai ngày tuổi, chỉ bé như một con gà con.
Anh Kiên tham gia vào các nhóm, hội, đọc thêm để có kinh nghiệm nuôi Bò. Cậu bé Đỗ Bảo Vũ, 8 tuổi, thấy thích thú cũng bỏ chơi điện tử, theo bố ra khoảng đất trống đối diện công viên Hòa Bình huấn luyện diều lửa.
Bò là một con chim cá tính. Ở nhà, dù chủ tắm rửa, cho ăn, nhưng ít khi nó chịu lại gần. Cứ đụng vào, cu cậu lại xù lông, toan mổ. Thế nhưng được đi chơi, thỏa sức bay lượn, nó quấn chủ, ngoan ngoãn hơn. Sau hơn một tháng huấn luyện, chẳng cần còi, chỉ gọi tên con diều lửa đã biết bay về. "Thậm chí tôi chẳng gọi, nhưng chơi chán, nó biết tìm về khu vực quen với chủ", anh Kiên kể.
Tháng 10 năm ngoái, anh đăng ký cho con trai mang Bò đi tham dự cuộc thi Huấn luyện chim săn mồi miền Bắc. Chú chim đã trưởng thành, điển hình cho vẻ đẹp được ví như "hoa hậu" của loài ác điểu này. Nó bay cao, liệng đẹp. Từ đầu xuống bụng trắng muốt, nổi bật giữa đôi cánh và phần lưng màu hung đỏ. Bé Vũ là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong hơn 50 người tham dự, nhưng cậu rất tự tin trình diễn bởi biết Bò đã rất quen thuộc. Vũ hất tay, con chim sải cánh bay vút, chao liệng. Sau một phút chinh phục bầu trời, nghe tiếng còi, nó lập tức về đậu trên tay cậu chủ tí hon. Cậu chủ nhỏ tung mồi lên không trung, con chim bay lên đớp gọn, giúp cậu bé có thêm điểm cộng. Hôm đó, con trai anh Kiên dành giải nhất. Được tặng một chiếc định vị, bố con cậu bé cài luôn cho chim quý.
Xem Bò như một thành viên trong gia đình, chuyến đi chơi nào của gia đình anh Kiên cũng mang nó theo. Nhưng trong chuyến du lịch đến Trạm Tấu, Yên Bái vào tháng 5/2020, bố con anh thả cho Bò bay lượn, nhưng cả chiều không thấy nó về.
Anh Kiên leo lên quanh những ngọn đồi gần nơi thả chim thổi còi, gọi tên vẫn không thấy. "Nó rất hiền, dạn người nên dễ bị bắt. Dẫu lo lắng nhưng tôi vẫn hy vọng con chim thông minh của mình có thể tìm được về", anh Kiên nhớ lại cảm giác bồn chồn khi đó.
Trên vùng cao không có sóng, bộ định vị anh cài lên cho chim không có tác dụng. Đêm xuống, bố con anh Kiên trằn trọc không ngủ, thấp thỏm đợi tiếng chim quay về. Sáng hôm sau, người đàn ông Hà Nội nhờ người quen đèo xe máy vào từng nhà trong bản hỏi thăm nhưng kết quả vẫn không thấy Bò đâu.
Hai ngày rưỡi chờ đợi trong vô vọng, gia đình anh Kiên đành theo đoàn lên xe về Hà Nội. Một ngày sau, anh nhận được cuộc gọi thông báo chim đã chết. Một nhà dân xác nhận đúng hôm anh thả Bò, họ bắn được một chú chim cài định vị và có màu lông y như mô tả.
"Là đàn ông tôi giữ cho mình không khóc trước mặt vợ con, nhưng cảm giác như một người bạn thân thiết vừa qua đời", anh Kiên nói. Bé Vũ mặt lúc nào cũng thẫn thờ, miệng nhắc tên chim. Hai bố con mất cả tháng mới đỡ hụt hẫng vì cảm giác thiếu vắng Bò.
Mất Bò, anh Kiên mua thêm hai chú diều lửa để chiều chiều lại được ra công viên huấn luyện. "Ở Hà Nội có nhiều người chơi chim săn mồi, nhưng anh Kiên là người mà tôi thấy đam mê và tâm huyết nhất. Đi huấn luyện chim cùng anh tôi cũng học hỏi được nhiều điều", anh Nguyễn Đức Tùng, 36 tuổi, người bạn cũng là thành viên trong CLB chơi chim săn mồi tại Hà Nội nhận xét.
Nửa tháng trước, bố con anh Kiên lại đưa Voi đi cuộc thi chim săn mồi miền Bắc lần thứ 6. Lần này, chú chim mùa một chỉ về Nhì, nhưng tiếp thêm lửa để chủ nó kiên trì với đam mê.
Cuối ngày, người kéo đến công viên ngắm những chú chim vốn hung hãn ngồi ngoan trong lòng chủ. "Cảm giác thuần dưỡng được một con vật vốn hoang dã nghe lời và thân thiết, quấn quýt mình rất tuyệt", anh nói và đùa với vài nam thanh niên "Mua về chăm sóc, các em chẳng thiết nhậu nhẹt gì nữa đâu".
Phạm Nga